NFT CÓ BAO NHIÊU LOẠI? (Phần 1)

Thị trường NFT là miền đất hứa của vô số người. Nhưng trước khi quyết định đầu tư, bạn cần nắm rõ có bao nhiêu loại NFT và triển vọng của chúng.
Dù NFT chỉ mới trở nên thịnh hành trong hơn một năm trở lại đây, chắc chắn rất nhiều người đã nghe đến chúng, đặc biệt là số tiền khổng lồ mà NFT mang lại cho người mua, bán hoặc tích trữ chúng. Nhưng, rất ít người biết hiện nay có đến 13 loại NFT khác nhau, chứ không riêng gì các bức vẽ NFT. Đồng thời, chúng cũng được chia thành 2 nhóm là NFT đã phổ biến và NFT tiềm năng.
Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu đến mọi người nhóm đầu tiên và một số ví dụ của chúng. Kéo xuống để cùng khám phá nào.
NFT là gì?
NFT (Non-fungible token) là một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số (blockchain). Dù ai cũng có thể xem tài sản NFT, chỉ người mua mới có quyền sở hữu chính thức. Toàn bộ thông tin về NFT, quyền sở hữu, chủ sở hữu, dữ liệu giao dịch đều công khai trên blockchain. Không giống với các vật thể số có thể tái sản xuất vô hạn khác, mỗi như bức tranh, nhân vật game, video … là duy nhất và không thể thay thế được, do đó tạo giá trị độc nhất cho các tài sản này.
Đặc điểm của NFT
Việc phát minh ra NFT đã và đang được một số nhà đầu tư cho rằng sẽ tạo nhiều cơ hội cho thị trường mua bán các tài sản số có giá trị nhờ những đặc trưng rất riêng của NFT dựa trên công nghệ Blockchain. Cụ thể, NFT có 3 tính chất nổi bật sau:
- Tính độc nhất: Mỗi NFT là độc nhất và hoàn toàn có thể phân biệt so với các NFT khác dù có bị sao y hệt.
- Tính vĩnh cửu: Các NFT có thể tồn tại vĩnh viễn cùng với các thông tin liên quan đến NFT đó như thời điểm phát hành, hình ảnh, âm thanh của NFT, …
- Có thể được lập trình: Hiểu đơn giản NFT là dòng code trên nền tảng Blockchain. Do đó, chúng ta luôn luôn có thể xác minh được tác giả cũng như thông tin của NFT.
- Tính sở hữu: Những người sở hữu NFT có thể toàn quyền quyết định sở hữu và sử dụng NFT đó.
Có bao nhiêu loại NFT?
- Tác phẩm nghệ thuật phi vật thể (Non-physical art NFT)
Một số người gọi đây là “tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số”. Tuy nhiên, từ “phi vật thể” sẽ bao hàm tất cả những tác phẩm được bán trên sàn NFT. Bởi các sàn giao dịch NFT cũng bán rất nhiều hình ảnh, tranh vẽ được “kỹ thuật số hóa” và đưa lên các sàn như Opensea, Binance, Bithumb…

Một sự thật thú vị rằng NFT đắt nhất từng được bán trong lịch sử, có giá 69 triệu đô, là một tác phẩm nghệ thuật “phi vật thể” tổng hợp 5594 tác phẩm thực tế khác.

Bởi một vài phi vụ mua bán đình đám có giá hàng triệu đô như kể trên, khi nhắc đến NFT, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các bức vẽ và hình ảnh. Tuy nhiên, thế giới NFT rộng hơn như thế rất nhiều. Tiếp tục với phân loại số 2 nào!
- Đồ sưu tầm (Collectibles NFT)
Đồ sưu tầm là một trong những dạng NFT hot nhất hiện nay. Nhưng ít người biết, nó chính là “khởi nguồn” của NFT.
Một trong những dự án NFT tiên phong và thành công nhất phải kể đến NFT của bộ sưu tầm Crypto Punks đình đám. Bộ sưu tập này gồm 10.000 hình ảnh nghệ thuật kỹ thuật số 24×24 pixel với nhiều nhân vật khác nhau. Trong đó, có khoảng 3840 nhân vật là nữ, 6039 nhân vật là nam. Chúng cũng có một vài con vượn, người ngoài hành tinh và thây ma trong bộ sưu tập nhân vật.
Trên các thị trường NFT thứ cấp như OpenSea, giá trị của những CryptoPunk không ngừng tăng vọt, thậm chí có một số CryptoPunk có giá lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Một số CryptoPunk được đấu giá tại các trung tâm đấu giá hàng đầu trên thế giới như Christie’s, Sotheby’s và nhận được sự quan tâm của Jay- Z, Gary Vaynerchuk… Tính đến tháng 1 năm 2022, tổng khối lượng giao dịch của CryptoPunk trên OpenSea đã đạt hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ.

- Kỷ vật thể thao (Sports memorabilia NFT)
Kỷ vật thể thao trong thực tế là một biến thể của đồ sưu tầm. Nhưng bởi tệp khách hàng và cơ chế thị trường của nó rất khác biệt với đồ sưu tầm, nó xứng đáng được xếp ngang hàng với các loại NFT khác.
Dự án NFT lớn nhất và thành công nhất chính là NBA Top Shot. Thay vì chỉ sao chép ý tưởng bán và trao đổi các tấm card in hình kèm chữ ký của cầu thủ rồi kỹ thuật số hóa chúng, chủ dự án đã nảy ra một sáng kiến là bán các video ghi hình các pha ghi bàn huyền thoại trong toàn bộ lịch sử của NBA – thứ mà kỷ vật thể thao truyền thống không bao giờ làm được.
Dưới đây là ảnh minh họa một video ghi lại những cú ném rổ đình đám của Lebron James tên là Lebron James Throwdown Series 1, được đấu giá lên đến 387 nghìn đô và trở thành “tấm thẻ” NBA Top Shot đắt nhất tới thời điểm hiện tại. Đồng thời, sự thành công của NBA Top Shot thu về nửa triệu đô đã biến nó thành top 4 dự án NFT bán chạy nhất mọi thời đại.

- Vật phẩm video game (video game assett NFT)
Nếu đồ sưu tầm đang là lựa chọn vàng cho các nhà đầu tư NFT và crypto guru tại thời điểm hiện tại thì vật phẩm game sẽ chiếm lĩnh vị trí đó trong tương lai. Dẫn chứng là game Axie Infinity, tựa game do người Việt phát triển đã gây sốt tại nhiều quốc gia. Game NFT này thu hút tới 1 triệu người chơi mỗi ngày, từng có giai đoạn tạo ra gần 500 triệu USD doanh thu luỹ kế, vượt mặt cả thành công của NBA Top Shot và Crypto Punks.

Những người mua các Axes, nhân vật game NFT trong Axie Infinity, từ sớm với giá vài đô giờ có thể bán với giá vài trăm đô hoặc thậm chí vài trăm ngàn đô.

Mặt khác, thành công của Axie Infinity cũng thúc đẩy nhiều nhà đầu tư nhìn xa hơn và điên cuồng đổ tiền vào các NFT Game và vật phẩm game mới hy vọng “vớ” được thế hệ tiếp theo của Axie. Họ cho rằng Axie chỉ mới là bình minh của nền công nghiệp ước tính hàng tỷ đô này. Họ cũng tin tưởng sẽ có một game NFT tiếp theo đủ hot và phổ biến đến mức có thể lôi kéo công chúng, kể cả những người chưa biết gì về blockchain tham gia.
- Đất ảo (Virtual Land NFT)
Phân loại này khá giống với phân loại vật phẩm game NFT bởi một số crypto video game cũng bán các mảnh đất, khu vườn, ngôi nhà NFT. Tuy nhiên, định nghĩa đất ảo NFT còn bao trùm rộng hơn và tham vọng hơn như thế.
Nó gồm cả khái niệm về các mảnh đất trong không gian ảo Metaverse. Với tham vọng kiến tạo một thế giới mới của tương lai, đem những tương tác thực và hoạt động thương mại, giải trí lên không gian ảo, những mảnh đất trong Metaverse sẽ thật sự có giá trị và mang lại ROI ngoài sức tưởng tượng.

Một số bạn sẽ còn nhớ về game thực tế ảo từng là cú hit một thời mang tên The Second Life. Decentraland cũng giống như game này nhưng được vận hành bởi công nghệ blockchain và NFTs. Những mảnh đất trong thế giới của Decentraland thật sự được “quy hoạch” và “phân lô” để bán trên NFT marketplace.

Dù vẫn chưa phát triển hết tính năng và thu hút đám đông người dùng, Decentraland lại được xem là một cách để tích trữ, đầu tư NFT từ sớm khi các nhà đầu tư NFT đã bắt đầu mua rất nhiều khu đất ảo.
Mảnh đất đắt nhất từng được bán trên Decentraland có giá tới 1 triệu đô . Cho tới thời điểm hiện tại, khu đất này vẫn khá “vắng vẻ” và “ít người qua lại”.
Khi đăng nhập vào Decentraland, người dùng sẽ bị ấn tượng bởi sự phong phú và triển vọng của nó, nhưng cũng hụt hẫng khi phần lớn vùng đất này còn khá “hoang vu”. Tuy nhiên, đó lại là lý do một số người vẫn chi nhiều tiền cho đất ảo với hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ có giá trị tương đương hoặc hơn cả bất động sản thực tế.
- Ảnh chế (Meme NFT)
Dù các meme (ảnh chế) có thể được xếp vào nhóm 1, tuy nhiên, bởi sự nổi đình nổi đám của nó, mà mình sẽ xếp Meme NFT vào nhóm độc lập.
Dù thị trường NFT giai đoạn tháng 5 – tháng 6/2021 tăng trưởng chậm lại rõ rệt, sự thành công của meme NFT lại cất cánh từ đó. Tháng 6/2021, Doge meme NFT – bức tranh về một chú cún có gương mặt châm biếm hài hước được bán với mức giá 1.696,9 Ether, trị giá 4 triệu đô la.

Một số meme khác được bán với giá “gây choáng” không kém là meme chú mèo Nyan (580.000 đô la), Disaster girl – cô bé mỉm cười trước căn nhà bị cháy (473.000 đô la), Overly-attached girlfriend – cô bạn gái có gương mặt quỷ dị ám ảnh (411.000 đô la)…

- Tên miền (Domain name NFT)
Điều làm nên sự khác biệt của tên miền crypto so với tên miền thông thường chính là tính phi tập trung của nó. Tên miền crypto không bị quản lý bởi bất kì tổ chức tập trung nào, đồng nghĩa là không ai có thể cấm các trang web có tên miền crypto hoạt động.
Ngoài ra, tên miền crypto còn có khả năng điều hướng người dùng đến địa chỉ ví tiền điện tử của người sở hữu chúng. Thay vì phải sao chép và gửi đi một đoạn mã gồm các ký tự nhiều chữ và số, chủ sở hữu của tên miền crypto có thể thuộc lòng địa chỉ website hướng đến ví của họ.
Hầu hết tên miền của những website liên quan đến crypto đều có dạng .eth hay .crypto

Tên miền crypto đắt nhất từng được bán là artdao.eth (DAO – Decentralized Autonomous Organization) trị giá 191.000 đô la, tiếp đến là tên miền win.crypto trị giá 100.000 đô la.
Mặc dù trước kia tên miền crypto rất khó để truy cập bởi hầu hết các “ông lớn” của làng trình duyệt, Opera đã điều chỉnh để hỗ trợ cho loại tên miền này. Trong tương lai, khi Safari, Google Chrome điều chỉnh chính sách của họ, nhu cầu mua NFT của tên miền crypto cũng sẽ vụt lên. Đến lúc đó, các tên miền mà bạn đã từng dễ dàng mua được với giá vài đô nhưng lại tăng xx lần đến mặt trăng là điều có thể dự đoán được (khuyến cáo đây không phải là lời khuyên tài chính đâu nhé! >'<)
Vậy bạn nghĩ sao về những loại NFT này? Bạn đã có dự định đi trước thị trường và đầu tư vào NFT nào từ khi nó chỉ là một “ngôi sao mai” chưa?
Đón chờ phần 2 để tìm hiểu 6 loại NFT còn lại rồi hẵng quyết định nhé 😉
Cùng bàn luận các tin tức mới và hấp dẫn nhất được mang đến bởi BlockSolFi qua Telegram và Facebook.
ĐỌC THÊM
NFT CÓ BAO NHIÊU LOẠI? (Phần 2)