Coin và Token nào sẽ tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022?

Bên cạnh ông lớn Ethereum với giải pháp L2s hứa hẹn sẽ bùng nổ trên thị trường blockchain trong năm 2022, nhiều dự án tiềm năng khác như Avalanche, Fantom, Polkadot, Cosmos cũng được trông chờ sẽ có dấu hiệu “khởi sắc”.
Năm 2021 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường tiền điện tử khi các tổ chức, công ty lớn liên tục rót tiền đầu tư vào các dự án nền tảng đã có lượng người dùng cố định. Tuy nhiên, đà giảm của thị trường crypto vào cuối năm 2021 khiến cộng đồng lo sợ “mùa đông ảm đạm” này sẽ kéo dài sang năm mới.
Nhưng tác giả Keith Speights của Motley Fool lại có nhận định khác. Ông cho rằng các dự án Blockchain nền tảng sẽ có dấu hiệu khởi sắc và vẫn sẽ tăng trưởng mạnh.
Ethereum vẫn tiếp tục phát triển
Ethereum (ETH) hiện là tiền mã hóa có vốn hóa đứng thứ 2 trên thị trường, nhưng vẫn có cơ hội để đồng ETH tiếp tục tăng giá và có khả năng vượt qua Bitcoin trong năm mới. Hiện nay, 40/100 dự án tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường đều được xây dựng dựa trên nền tảng của Ethereum. Chính vì thế, giả như 40 đồng tiền kể trên đều tăng trưởng, thì Ethereum cũng được hưởng sự phát triển này do mối quan hệ tương quan giữa Ethereum và các dự án đó.
Hệ sinh thái Ethereum
Mặc dù Ethereum còn có một vài điểm yếu, đó là chi phí giao dịch khá cao và mất nhiều thời gian để xác thực, do số lượng người dùng quá lớn. Trong năm 2021, tình trạng nghẽn mạng Ethereum có thể nói là xảy ra thường xuyên, nhưng số lượng người dùng Ethereum vẫn duy trì ở mức khá cao.
Đặc biệt, Ethereum 2.0 cũng sẽ được cập nhật trong năm 2022, đặc biệt là việc chuyển hoàn toàn mạng lưới từ Proof of Work sang sử dụng thuật toán đồng thuận bằng cổ phần (Proof of Stake) sẽ giúp cho dự án loại bỏ được các điểm yếu hiện tại.
Đón đọc “05 thay đổi của mạng Ethereum trong năm mới” tại đây.
Roadmap Ethereum 2.0. Nguồn ảnh: Blockchain Simplified
Xuất hiện các nền tảng có khả năng thay thế Ethereum
Avalanche
Hệ sinh thái Avalanche vào cuối tháng 11/2021. Nguồn ảnh: AVAXDaily
Một trong những đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Ethereum là Avalanche (AVAX). Vào giai đoạn cuối năm 2021, cộng đồng đã chứng kiến sự bùng nổ về giá của đồng AVAX. Có người cho rằng nguyên do của sự bùng nổ này là do Avalanche giải được bài toán về thời gian giao dịch của Ethereum.
Ngoài ra, cổng kết nối giữa Ethereum và Avalanche được đưa vào sử dụng cũng giúp cho dự án này thu hút nhiều vốn từ hệ sinh thái Ether. Theo Adam Cochran, chuyên gia tại quỹ đầu tư Cinneamhain, việc các dự án con liên tục ra mắt sản phẩm và có kế hoạch phát triển rõ ràng trong năm nay đã giúp cho AVAX ghi điểm trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Polkadot
Bên cạnh Avalanche, Polkadot (DOT) là một đối thủ sáng giá khác. Cấu trúc của dự án Polkadot gồm 3 bộ phận: Chuỗi chính (Relay chain) nằm ở giữa, chuỗi mở rộng (Parachain) bao xung quanh và hệ thống cầu nối. Với cấu trúc như vậy, khả năng kết nối và bảo mật sẽ giữa các dự án con trong hệ sinh thái sẽ được củng cố.
Xét về thời gian hay chi phí giao dịch, Polkadot không nhỉnh hơn các đối thủ khác là bao. Nhưng chính nhờ cấu trúc 2 chuỗi kể trên và cấu nối lại giúp cho nhiều dự án mới tham gia vào chuỗi với tốc độ nhanh hơn nhờ vào tính kết nối cao. Trong năm 2022, khi Polkadot và các dự án con bên trong được lấp đầy Parachain, Polkadot sẽ tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh với tốc độ phát triển đáng mong chờ.
Cấu trúc của Polkadot. Nguồn ảnh: Polkafrance
Cosmos

Một nền tảng đầy triển vọng khác với kiến trúc có nhiều điểm giống với Polkadot là Cosmos (ATOM). Để giải quyết vấn đề giao dịch chậm của Ethereum, dự án này tách các nhánh blockchain trong một chuỗi lớn thành nhiều “vùng” (Zone) và kết nối chúng bằng giao thức truyền thông tin liên chuỗi (IBC).
Các dự án con đều được phát triển bằng nền tảng Cosmos SDK giúp cho việc quản lý ít bị xung đột. Về mặt dài hạn, việc nâng cấp và phát triển một thành phần mới trong hệ sinh thái với hàng trăm blockchain sẽ không tốn kém nhiều thời gian như các hệ sinh thái khác.
Cosmos Zone. Nguồn ảnh: Cosmos Blog
Fantom
Fantom (FTM) là nền tảng có vốn hóa nhỏ nhất trong các đối thủ của Ethereum. Dù dự án chỉ đứng vị trí 30 trên bảng xếp hạng của CoinMarketCap nhưng đây vẫn là dự án có nhiều điểm đáng chú ý.
Fantom sử dụng công nghệ định tuyến không tuần hoàn (DAG) giúp mạng lưới này xác thực một giao dịch trong 2 giây với mức phí 0,01 USD. Ngoài ra, mạng lưới hiện đã hoàn thiện các mảnh ghép tài chính phi tập trung như mục cho vay, thanh toán và có cả nền tảng NFT cho hệ sinh thái của mình.
Cộng đồng crypto cần lưu ý gì khi đầu tư trong năm mới?
Thực trạng thị trường crypto trong năm 2021
Mặc dù xảy ra nhiều biến động, năm 2021 vẫn là một năm bội thu đối với giới đầu tư tiền điện tử. Giá trị của một số tiền ảo đã tăng “phi mã” từ 5.000 đến 7.000%, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, năm 2021 chứng kiến Bitcoin với những màn “rơi tự do” đã từng dọa các nhà đầu tư xanh mặt. Bitcoin chạm mức 65.000 USD vào tháng 4 trước khi “bốc hơi” hơn 50% giá trị vào tháng 5. Không dừng lại, đồng tiền ảo này tiếp tục giảm vào tháng 6 sau dòng tweet quan ngại về môi trường của Elon Musk cùng với việc Trung Quốc siết các giao dịch tiền điện tử.
Tình trạng bán tháo xảy ra khiến giá một số loại tiền đã giảm tới 30-40% trong vài giờ. Song các nhà đầu tư Bitcoin đã trở lại vào tháng 9 khiến giá Bitcoin vượt mốc 69.000 USD, nhưng ngay sau đó là những chuỗi ngày giảm giá dài nhất của Bitcoin. Vào cuối năm, Bitcoin dần trở lại quỹ đạo với giá trị giao dịch 51.000 USD.
Những dự đoán vào năm 2022
Số phận của tiền điện tử phụ thuộc phần lớn vào các chính sách của chính phủ tại quốc gia nơi nó lưu hành.
Có thể kể đến như Trung Quốc, thị trường tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã cấm mọi giao dịch vào tháng 9/2021. Các chuyên gia cho hay, điều này có thể khiến cho Trung Quốc bị cô lập với thế giới khi mà công nghệ blockchain được áp dụng rộng rãi.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã xây dựng luật để điều chỉnh hoạt động sử dụng và giao dịch tiền điện tử. Tiền điện tử và Quy định của Dự luật tiền kỹ thuật số chính thức ra đời trong phiên họp mùa đông của Quốc hội nhưng cuộc xung đột về các dự luật khác đã ngăn cản bộ luật không được ban hành. Bởi dự luật tìm cách cấm tất cả các loại tiền điện tử tư nhân ở Ấn Độ và cho phép một số ngoại lệ nhất định nhằm thúc đẩy công nghệ cơ bản để sử dụng blockchain.
Đọc thêm: “Số lượng quốc gia cấm tiền điện tử đã tăng x2 trong 3 năm”
Các nhà đầu tư cần tuân theo quy tắc gì?
Không bỏ quá nhiều tiền đầu tư: Nhiều tiền điện tử đã tăng vọt trong vài tháng qua khiến cho nhiều người nôn nóng muốn đầu tư ngay với số tiền lớn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng các nhà đầu tư thông thái chỉ đầu tư vào những gì người ta sẵn sàng chịu mất. Ngay cả khi ưa mạo hiểm, đừng đặt quá 10-15% danh mục đầu tư của bạn vào tiền điện tử.
Học cách đối mặt với “rung lắc”: Đầu tư Bitcoin là trò chơi “liều ăn nhiều”, buộc các nhà đầu tư phải hiểu được tình thế. Tiền điện tử mang lại rủi ro rất cao, ngay cả Bitcoin cũng có thể giảm tới 25% từ “đỉnh” 69.000 USD, như các bạn có thể chứng kiến giá Bitcoin tụt giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2021.
Không hành động theo “phím”: Tiền điện tử đang có rất ít dữ liệu để phân tích. Nhưng phần lớn nhà đầu tư hay có xu hướng nghe theo các thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng. Bạn cần phải chú ý bởi có rất nhiều nhà phân tích tự phong đã lập các nhóm trên mạng xã hội để “bẫy” nhà đầu tư cả tin, bằng cách thu phí để chia sẻ những mẹo đầu tư từ “chuyên gia”.
Tập trung vào các tiền điện tử danh tiếng: Đây là điều chắc chắn bạn nên lưu ý, chỉ đầu tư vào những tiền ảo uy tín và có nhiều người đầu tư, tốt nhất là các loại tiền có giá trị nằm trong top 10. Tuyệt đối không mua những đồng tiền không có tên tuổi chỉ vì chúng có giá rẻ hay người khác hứa hẹn đồng đó sẽ tăng vọt trong tương lai. Không ai có thể giàu lên một cách đơn giản như vậy cả.
Bên cạnh đó, tiền điện tử có danh tiếng tuy có giá đắt hơn nhưng bù lại giá trị giao dịch về sau sẽ cao hơn. Bởi vậy, đây là những nơi đầu tư an toàn hơn hẳn so với các loại đồng tiền không có tên tuổi.
Lời kết
Như vậy, có thể thấy rằng, lĩnh vực tiền điện tử đang di chuyển với tốc độ chóng mặt. Năm 2020 là năm của các dự án như Ethereum, tới năm 2021 là sự bứt phá của tài chính phi tập trung. Và năm 2022 hứa hẹn là giai đoạn cạnh tranh giữa các nền tảng lớn và dự án có sự kết nối với nhiều bên khác nhau.
Trước sự thay đổi chóng mặt trên thị trường crypto, các nhà đầu tư, kể cả những người giàu kinh nghiệm hay mới tham gia thị trường cũng cần lưu ý một số quy tắc để có thể thuận lợi trong công cuộc đầu tư. Bạn có câu hỏi nào cho chủ đề trên? Theo bạn, còn có những nguyên tắc đầu tư nào khác cần lưu ý trong năm mới? Cùng để lại bình luận và chia sẻ với BlockSolFi nhé.