Tổng quan về Crypto Index – Vai trò của các chỉ số trong thị trường Crypto

Đối với nhiều anh em tham gia thị trường Crypto, chắc hẳn sẽ có thói quen tìm và lựa các đồng coin, token và mua trực tiếp các sản phẩm này trên sàn. Tuy nhiên, một mảng thị trường khác là Index – các chỉ số của thị trường tiền mã hóa cũng đang thu hút nhiều sự chú ý từ các tổ chức và cá nhân trong đầu tư. Vậy Crypto Index là gì? Nó có vai trò gì trong thị trường Crypto? Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này nhé!
Index là gì?
Index còn được hiểu là các chỉ số giúp khái quát hoá động thái tăng giảm, biến động của nhóm tài sản được đưa vào giỏ theo dõi. Bên chứng khoán truyền thống thì có khái niệm VN-Index, quốc tế thì Dow Jones, S&P500,..
Nói một cách chi tiết hơn, các tài sản trong giỏ theo dõi của chỉ số sẽ có trọng số phần trăm (weight) của riêng mình, tuỳ thuộc vào sức ảnh hưởng của tài sản đó.
Các nhóm Index trong thị trường Crypto?
Cũng giống như các mô hình trên, Index – tức các nhóm chỉ số trong thị trường Crypto cơ bản vẫn sẽ vận hành tương tự.
Hiện tại, đối với thị trường crypto, có thể chia ra thành 3 nhóm Index chính:
Index phái sinh
Index phái sinh có thể được hiểu là các chỉ báo được giao dịch mà được xem như một sản phẩm phái sinh. Ví dụ: EXCH-PERP, SECO trên sàn FTX.
Về yêu cầu tài sản bảo chứng: Hầu hết các sàn cung cấp chỉ số index này không công bố quá nhiều thông tin liên quan đến tài sản bảo chứng của họ cho các sản phẩm này. Tất cả những thông tin đó có xu hướng được giữ kín. Vì vậy, người mua dạng sản phẩm index này hầu như sẽ có xu hướng lướt sóng để giảm thiểu rủi ro.
Lợi ích: Thanh khoản nhanh chóng, chi phí rẻ. Người dùng sẽ giao dịch giống với các sản phẩm phái sinh như futures hay option đang phổ biến trên thị trường.
Rủi ro: Rủi ro bị thanh lý vị thế. Không có nhiều thông tin về tài sản bảo chứng cho chỉ số, thị trường dễ bị làm giả.
Index token hoá
Là các token đại diện cho nhóm chỉ số. Người mua token sẽ được xem như đã phân bổ danh mục theo tỷ trọng % mà Index token này quy định. Ví dụ có thể kể đến nhóm DPI và Metaverse Index của Coop Index hay Bankess DAO,..
Về yêu cầu tài sản bảo chứng: Vì hầu hết các token này vận hành bởi các tổ chức tự quản lý (hay còn được biết đến với tên gọi DAOs), nên các tài sản được công bố rõ ràng, họ cũng công bố tỷ trọng tài sản nắm giữ để bảo chứng cho token Index của mình.
Lợi ích: Minh bạch và rõ ràng. Có thể theo dõi các dữ liệu trên không gian blockchain. Người giữ token index này thậm chí còn có thể thế chấp trên các nền tảng Lending, từ đó mint thêm stablecoin để tiếp tục giao dịch trong thị trường tiền mã hoá.
Rủi ro: Phí giao dịch cao vì token được triển khai hầu hết trên Ethereum. Tài sản hỗ trợ trong chỉ số chưa được đa dạng.
Index quỹ
Anh em có thể giao dịch các chứng chỉ với các quỹ đầu tư, bản thân quỹ sẽ là người chịu trách nhiệm phân bổ lượng tiền huy động được vào các token. Ví dụ cho dạng này có thể kể đến như Grayscale DeFi Fund hay Bitwise Index,..
Về yêu cầu tài sản bảo chứng: Vì ràng buộc pháp lý, các quỹ có nhiệm vụ phải công bố rõ ràng lượng tài sản bảo chứng trước khi công bố tỷ trọng của tài sản trong chỉ số.
Lợi ích: An toàn hơn về mặt đảm bảo pháp lý.
Rủi ro: Không phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ, vì hầu hết các giao dịch thường yêu cầu ở kích thước lớn. Chi phí cho quản lý quỹ khá cao.
Công dụng của các sản phẩm Index
Đầu tiên, dễ dàng nhận thấy là các chỉ số giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các nhà đầu tư bận rộn. Thay vì phải tự đi tìm đọc và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, các nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản vào các chỉ số.
Thứ hai, các chỉ số này mang lại nhiều thông tin tổng quan về thị trường.
Lấy ví dụ, nếu quan tâm đến mảng Altcoin nói chung, chúng ta sẽ theo dõi Altcoin Index. Đi sâu vào mảng Altcoin chúng ta sẽ có các chỉ số cho nhóm DeFi. Hoặc nếu quan tâm đến biến động của mảng game, metaverse, chúng ta có thể theo dõi các sản phẩm Index về game. Sự thay đổi về giá của các chỉ số sẽ giúp chúng ta hình dung được tốt hơn về dòng tiền.
Lưu ý: Để có được góc nhìn chính xác nhất từ các chỉ số, cần phải theo dõi tỷ trọng tài sản trong các chỉ số này để tránh bị đánh lừa bởi dữ liệu.
Cuối cùng, các chỉ số mang lại cầu nối vốn cho toàn thị trường tiền mã hoá. Rào cản đầu tư vào thị trường Crypto hiện vẫn là lớn đối với các dòng vốn truyền thống. Như đã đề cập ở trên, việc có một sản phẩm cầu nối như Index sẽ giúp dòng vốn đổ vào thị trường tiền mã hoá một cách dễ dàng hơn.
Lời kết
Như vậy, qua bài viết trên chúng ta đã cùng điểm qua những khái niệm cơ bản cũng như các dạng Index phổ biến trong thị trường Crypto. BlockSolfi hy vọng là những thông tin trên đây hữu ích cho anh em. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy bình luận ở bên dưới để BlockSolFi giải đáp nhé!