Góc nhìn on-chain: ngã ở đâu gấp đôi ở đó

Sau đợt bán tháo hồi đầu tháng 5, chúng ta ghi nhận có một sự thay đổi trong xu hướng gom hàng. Những HODLer Bitcoin dài hạn là những người cuối cùng còn bám trụ lại với thị trường, không những vậy mà họ còn có xu hướng gom hàng mạnh hơn khi Bitcoin giảm xuống dưới 30k đô
Đường giá Bitcoin tiếp tục đi ngang tích lũy trong tuần này, chúng ta bắt đầu thấy dấu hiệu thị trường tài sản kỹ thuật số không còn tương quan tỷ lệ thuận với đường giá của thị trường chứng khoán, mặc dù nó hơi sai sai tý. Cụ thể là trong khi chỉ số S&P500 tăng 7.4% từ đáy trong tuần rồi, chỉ số NASDAQ cũng tăng 9.4% thì Bitcoin vẫn giảm SML xuống vùng 28,261 đô, và chỉ phục hồi lên mức 30,710 đô vào thứ Hai tuần này. Ethereum cũng đã có một tuần khá chật vật, giảm hơn 17.8% xuống mức thấp nhất 1,700 đô trước khi bật tăng lên mức 1,900 đô vào thứ Hai tuần này.
Sau khi thảm họa LUNA kích hoạt một đợt bán tháo trên diện rộng vào đầu tháng này, đã có một sự thay đổi nhẹ trong xu hướng gom hàng Bitcoin phản ánh qua dữ liệu on-chain. Đáng chú ý là các cá voi có số dư ít hơn 100 BTC và những cá voi có số dư hơn 10k BTC đang gom hàng rất mạnh. Các nhóm ví còn lại thì cũng chuyển từ trạng thái phân phối thoát hàng sang trung lập, không còn xả hàng nhưng cũng không gom hàng. Điều này phản ánh một sự thay đổi hành vi của các cá voi so với giai đoạn từ tháng hai đến giữa tháng ba, khi đó chúng ta thấy có một sự lẫn lộn giữa hành vi gom hàng và phân phối, cho thấy tâm lý hoang mang và sự dịch chuyển dòng vốn sang các tài sản trú ẩn an toàn
Tần suất hoạt động on-chain vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy người dùng mới không có hứng thú tham gia vào thị trường tiền điện tử ở thời điểm hiện tại. Dù vậy thì những HODLer còn bám trụ vẫn đang phát huy đúng danh hiệu diamond hand của mình, giá giảm bao nhiêu thì họ gom hàng nhiều bấy nhiêu, hold to die cho dù có phải gồng lỗ SML
HOLDer Who Remains
Trong những tháng gần đây, chúng ta đã từng nhiều lần nói về việc tần suất hoạt động on-chain của Bitcoin được duy trì ổn định và ở mức thấp. Đây cũng là một dấu hiệu điển hình của những mùa đông crypto trước, hoạt động on-chain lúc này chủ yếu là các cá voi và HODLer đang gom hàng, họ vốn là những người ít quan tâm đến giá cả
Sau sự kiện thiên nga đen ngày 19 tháng 5 năm 2021, chúng ta ghi nhận một đợt thanh lọc nhỏ khi một số cá voi yếu vía đã quyết định xả hết trữ lượng coin của mình. Trong 4 tháng sau đó chúng ta tiếp tục ghi nhận số lượng ví cá voi dần dần phục hồi trở lại mặc cho sự không chắc chắn đang len lỏi vào tâm lý chung của thị trường, cùng với đó thì những nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy cũng bị đào thải khỏi thị trường sau đợt bán tháo
Như chúng ta có thể thấy trong biểu đồ bên dưới, hiệu suất giá không mấy khả quan trong thời gian gần đây đã khiến số lượng ví cá voi không còn tăng lên, dù vẫn chưa nghiêm trọng như hồi tháng 5 năm 2021
Trong những sự kiện biến động lớn như thảm họa LUNA vừa qua, chúng ta thường chứng kiến các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo hoặc dịch chuyển tài sản của mình vào phái sinh để cân bằng rủi ro cho vị thế spot của mình làm tần suất hoạt động on-chain tăng đột biến. Trong giai đoạn tháng 3 năm 2020 và tháng 11 năm 2018, việc tần suất hoạt động on-chain tăng lên sau những đợt bán tháo thường báo hiệu sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới
Mặc dù không thể loại trừ khả năng này, nhưng chúng ta có thể thấy rõ là chỉ số “Các địa chỉ ví và thực thể tích cực hoạt động” đã giảm về mức cũ trước khi thảm họa LUNA xảy ra và quay về vùng giao động được thiết lập từ tháng 9 năm 2021. Nói cách khác thì đợt bán tháo và giảm giá vừa qua đã không thu hút được thêm người dùng mới tham gia vào thị trường mà đây chỉ là hoạt động của các HODLer dài hạn
Một sự thay đổi trong hành vi gom hàng
Tất nhiên tần suất hoạt động on-chain cũng không thể nói lên tất cả. Trong khi mức độ tăng trưởng số lượng ví cá voi và số lượng cá voi tích cực hoạt động đang có dấu hiệu chững lại, thì các chỉ số này lại không tính đến khối lượng giao dịch và giá trị kinh tế trong từng giao dịch của các cá voi vẫn còn bám trụ lại thị trường. Khi giá tiếp tục điều chỉnh giảm sâu hơn, thì các HODLer cũng mua được nhiều BTC hơn với cùng một số tiền bỏ ra, điều này dẫn chúng ta đến một nghiên cứu khác về phân phối trữ lượng coin giữa các cá voi
Điểm Xu hướng Tích lũy đã ghi nhận một sự thay đổi đáng chú ý về hành vi của các cá voi. Trong gần 2 tuần, chỉ số này đã trở lại trên mức 0.9 và tiệm cận với số điểm tuyệt đối. Điều này cho thấy rằng các cá voi đang rất tích cực gom hàng. Đây là một sự thay đổi rõ ràng so với giai đoạn chỉ số này tích lũy từ tháng 1 tới tháng 4 (vùng màu cam), có thể được giải thích là do các cá voi lúc đó không có niềm tin để tiếp tục gom hàng
Trong lịch sử thì mỗi lần Điểm Xu hướng Tích lũy được duy trì ở mức cao thường thuộc một trong 2 trường hợp sau:
- Giữa chu kỳ tăng giá (màu xanh dương) – Thường diễn ra vào lúc thị trường gần đạt đỉnh khi dòng tiền thông minh bắt đầu chốt lời và phân phối coin của mình, hợp lưu với một lượng lớn nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm FOMO đổ xô vào thị trường
- Trong giai đoạn điều chỉnh giảm (màu xanh lá cây) – Thường xảy ra sau một giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh về giá, và tâm lý nhà đầu tư chuyển từ hoang mang lo sợ sang gom hàng tích lũy giá trị. Có một ngoại lệ ở đây là giai đoạn sau khi thị trường đạt đỉnh vào tháng 12 năm 2021, người ta cứ nghĩ đó là một giai đoạn BTC điều chỉnh giảm nhẹ trước khi tiếp tục tăng lên mốc 100k đô, nhưng hóa ra đó lại là một giai đoạn điều chỉnh giảm kéo dài và phần lớn coin được các nhà đầu tư gom ở gần đỉnh khi đó sau này đã phải chấp nhận bán đáy
Nếu chúng ta phân tích sâu hơn vào từng nhóm ví để xét xem nhóm ví nào đóng góp nhiều nhất vào hoạt động gom hàng gần đây, thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được 2 nhóm ví gom hàng mạnh nhất là nhóm cá voi có ít hơn 100 BTC và nhóm cá voi có hơn 10k BTC
Xem xét dữ kiện trong quá khứ thì chúng ta có thể thấy hai nhóm ví này đã tích cực gom hàng trong đợt bán tháo vừa rồi. Không những vậy mà số dư của hai nhóm ví này còn tăng đến 80,724 BTC, gần bằng với số lượng 80,081 BTC mà LUNA Foundation Guard (LFG) đã xả. Điều này có nghĩa là sự gia tăng trong nhu cầu gom hàng giá thấp của các cá voi có ít hơn 100 BTC đã vô tình hấp thu toàn bộ lượng BTC mà LFG đã xả nhằm phục hồi tỷ giá cho UST
Một nhóm ví khác cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của Điểm Xu hướng Tích lũy là nhóm các cá voi có hơn 10k BTC. Trong suốt tháng 5, nhóm cá voi này đã gom thêm tổng cộng 46,269 BTC, hấp thu một phần trong hơn 80k BTC mà LFG đã xả
Những quan sát này có thể được xác nhận thêm thông qua biểu đồ nhiệt của Điểm Xu hướng Tích lũy theo từng nhóm ví. Trong biểu đồ này chúng ta có thể thấy rõ rằng kể từ khi đợt bán tháo diễn ra, biểu đồ nhiệt của các cá voi có ít hơn 100 BTC và nhiều hơn 10k BTC đã chuyển sang màu xanh cho thấy hoạt động gom hàng mạnh trong những tuần vừa qua
Đây là một sự thay đổi đáng kể trong hành vi gom hàng so với giai đoạn trước khi đợt bán tháo diễn ra, các cá voi khi đó tích cực thoát hàng khiến biểu đồ nhiệt của Điểm Xu hướng Tích lũy có màu vàng và đỏ. Nhóm cá voi có từ 100-10K BTC duy trì mức điểm khá trung lập ở mức 0.5, cho thấy không có sự thay đổi nhiều trong số dư của các cá voi này
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiến hành điều tra hành vi của các HODLer dài hạn để tiếp tục củng cố thêm quan điểm của mình
HOLDer dài hạn – những người gồng lỗ
Chúng ta đã xem xét qua hoạt động của các nhóm ví và đóng góp của các nhóm ví này vào hoạt động gom hàng chung được phản ánh qua dữ liệu on-chain. Tiếp theo chúng ta sẽ nói về các nhà đầu tư dài hạn (HODLer), những người ít có khả năng sẽ xả hàng trong những giai đoạn biến động và khủng hoảng để đánh giá rằng liệu các nhà đầu tư có còn vững tin vào tương lai của Bitcoin và thị trường tiền điện tử hay không. Lưu ý rằng những nhà đầu tư dài hạn là những người không bán bất kỳ đồng coin nào của mình trong ít nhất 155 ngày trước, cũng tương đương vào khoảng cuối tháng 12 năm ngoái, khi Bitcoin vẫn còn ở mức xấp xỉ 47k đô
Khi chúng ta nhìn vào chỉ số URPD vào ngày 1 tháng 4 trước khi thảm họa LUNA diễn ra, chúng ta có thể lập được biểu đồ phân phối coin tập trung vào chu kỳ 2021-22
Bây giờ chúng ta sẽ xếp chồng biểu đồ ngày 1 tháng 4 lên biểu đồ URPD của hiện tại là đường màu xanh bên dưới. Từ đó chúng ta có thể đánh giá được sự thay đổi trong phân phối coin và đưa ra các nhận xét sau:
- Đã có một sự tái phân bổ khá lớn khoảng 1.5 triệu BTC từ những người mua trong vùng giá 42k đô đến 49k đô đến những người mua trong khung giá hiện tại từ 26.7k đô đến 33k đô
- Hồ sơ phân bổ coin hiện tại tương đồng một cách đáng ngạc nhiên với hồ sơ phân bổ của ngày 1 tháng 4, cho thấy nhóm các HODLer không quan tâm đến biến động giá lần này của Bitcoin cho lắm, và nhóm HODLer này vẫn chiếm phần đa trong giới đầu tư Bitcoin
Sự suy giảm trong chỉ số vốn hóa coin được nắm giữ ít hơn 3 tháng tiếp tục củng cố thêm luận điểm này. Nhìn lại dữ liệu các đồng coin được di chuyển trong vòng 3 tháng qua sau ngày 1 tháng 3, tính trung bình của vùng tích lũy cuối cùng. Khi số lượng các HODLer dưới 3 tháng đang dần giảm xuống thì cũng đồng nghĩa là nguồn cung coin đang dần chuyển dịch sang các nhóm HODLer dài hạn hơn
Điểm mấu chốt từ hai dữ liệu này là những HODLer gom hàng sau khi thị trường đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái có vẻ không quan tâm lắm đến giá cả hiện tại. Mặc cho thị trường đã điều chỉnh giảm trong 6 tháng liên tiếp, và thậm chí là sau đợt xả hàng hơn 80k BTC của LFG, thì những HODLer này vẫn tiếp tục bàng quan và không thèm bán coin của mình
Nên nhớ là để được tính là một HODLer dài hạn thì nhà đầu tư phải nắm giữ coin của mình ít nhất từ cuối tháng 12 năm ngoái, cũng không có gì ngạc nhiên khi trữ lượng BTC của các HODLer dài hạn đang giảm nhẹ trong những tháng qua. Đặc biệt trong giai đoạn điều chỉnh giảm từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, chúng ta có thể thấy trữ lượng BTC của các HODLer dài hạn đã giảm rõ rệt
Thường thì trong các giai đoạn giá đi ngang tích lũy sẽ là lúc tối ưu để gom hàng. Điều này có nghĩa là nếu giá đi ngang trong vòng 1 tháng nữa thì các nhà đầu tư cũng sẽ quay về trạng thái tích lũy coin trong khung giá từ 33k đô đến 42k đô. Dựa trên chỉ số URPD, đã có một số lượng coin rất lớn được gom từ tháng 1 đến tháng 4
Trữ lượng BTC của các HODLer dài hạn mới đây đã quay trở về mức đỉnh cũ 13.048 triệu BTC. Trừ khi có một FUD đủ lớn để kích hoạt một đợt bán tháo mới thì chúng ta sẽ tiếp tục thấy trữ lượng BTC của các HODLer dài hạn tiếp tục tăng lên trong vòng 3 đến 4 tháng tới, cho thấy các HODLer vẫn muốn tiếp tục gom hàng và hold to die
Tuy nhiên bên cạnh những dự báo khá khả quan về tình hình on-chain trong tương lai, thì vẫn có một bộ phận HOLDer dài hạn đang cắt lỗ và phân phối coin của mình. Chỉ số SOPR của các HODLer dài hạn trong biểu đồ dưới đây có thể được hiểu đơn giản là lợi nhuận trung bình hàng ngày của các HODLer dài hạn, chỉ số này hiếm khi giảm xuống dưới mức 1.0
Vậy mà tuần này chúng ta đã có một ngoại lệ, lợi nhuận trung bình hàng ngày của các HODLer dài hạn trong tuần này đã giảm xuống âm -27% so với mức giá mua coin trung bình. Những sự kiện như vậy trong quá khứ chỉ diễn ra vào cuối những chu kỳ downtrend như mùa đông crypto năm 2015, năm 2018 và sự kiện ra tin COVID tháng 3 năm 2020
Lấy chỉ số SOPR làm thước đo lợi nhuận trung bình hàng ngày của các HODLer dài hạn, chúng ta có thể tính được mức giá trung bình mà các HODLer dài hạn gom hàng là ở đâu, từ đó chúng ta có chỉ số Mức giá Chi. Mức giá Chi của các HODLer dài hạn (đường màu hồng) trong biểu đồ bên dưới hiếm khi nào ở mức cao hơn giá thị trường, nhưng vì một lý do nào đó mà thời gian gần đây đường trung bình chu kỳ 7 ngày của Mức giá Chi lại đang ở mức 32.8k đô, lần gần nhất mà các HODLer dài hạn bị mua hớ như vầy là sau sự kiện bán tháo hồi tháng 3 năm 2020. Trong khi đó vào mùa đông crypto năm 2018, các HODLer đã gom hàng quá sớm dẫn đến nhiều tháng phải gồng lỗ và đỉnh điểm đã có lúc các HODLer bị chia 2 tài khoản
Tổng kết
Tần suất hoạt động on-chain của Bitcoin đã bắt đầu suy giảm kể từ tháng 9 năm 2021 và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi trong tương lai gần. Điều này cho thấy các HODLer dài hạn là những người duy nhất và cuối cùng còn bám trụ lại với thị trường, họ vẫn bền chí hold to die cho dù phải gồng lỗ SML
Sau khi thảm họa LUNA kích hoạt đợt bán tháo trên diện rộng, chúng ta cũng ghi nhận có sự thay đổi trong hành vi gom hàng của các cá voi. Các cá voi có ít hơn 100 BTC hấp thụ gần như toàn bộ lượng BTC mà Luna Foundation Guard đã xả. Bên cạnh các HODLer dài hạn thì cũng xuất hiện nhiều HODLer mới gom được BTC ở mức giá rẻ. Xu hướng này nếu không bị tác động bởi một sự kiện tiêu cực nào thì chúng ta có thể sẽ thấy trữ lượng coin của các HODLer dài hạn vượt đỉnh cũ trong những tháng tới
Quan sát tình hình vĩ mô, chúng ta có thể thấy đường giá của Bitcoin nói riêng và của thị trường tài sản kỹ thuật số nói chung ngày càng khác so với đường giá của thị trường chứng khoán. Chúng ta sẽ cần phải quan sát thêm rằng liệu sự khác biệt giữa đường giá của hai thị trường này có được duy trì hay không, cũng như xu hướng sắp tới của thị trường sẽ bị ảnh hưởng như thế nào với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của FED. Thị trường tiền điện tử vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn và những cơ hội lớn nhưng cùng với đó thì số lượng HODLer dài hạn cũng đang tăng lên một cách ấn tượng
BlockSolFi tổng hợp
Tham gia bàn luận ngay cùng BlockSolFi tại Telegram và Facebook.
Đọc thêm:
Góc nhìn on-chain: Hy vọng dần vụt tắt
Đánh giá stablecoin hậu sự cố TerraUSD: So sánh Top 5 stablecoin phổ biến nhất