Bull, Bear Token là gì? Leveraged Token là gì? Cách thức hoạt động của Leveraged Token

Leveraged Token, cụ thể các token BULL và BEAR đang thu hút sự chú ý của nhiều trader vì lợi nhuận mà chúng mang lại. Song, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao. Hãy cùng BlockSolfi tìm hiểu bản chất Leveraged Token và cách thức hoạt động của chúng trong bài viết dưới đây nhé!
Leveraged Token là gì?
Leveraged Token, hay còn gọi là token đòn bẩy là token mà giá của nó thay đổi dựa trên sự thay đổi giá của token ban đầu (BTC, ETH, XRP,..). Token đòn bây được tạo ra giúp Trader có thêm một lựa chọn để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường Crypto. Đây là các ERC-20 Token và có thể lưu trữ trên ví ERC-20.
Leverage token giống token thường ở chỗ có thể tham gia Spot trading, nhưng khác ở chỗ có kèm theo đòn bẩy để có lợi nhuận cao hơn khi so sánh với chính tài sản đó ở phiên bản thông thường (tức Margin Trading). Và dĩ nhiên, lợi nhuận cao hơn cũng đi kèm rủi ro cao hơn.
Một số token đòn bẩy phổ biến hiện nay là BULL, BEAR, ETHBULL, ETHBEAR, BNBBULL, BNBBEAR, EOSBULL, EOSBEAR…
Vị thế Long 3X đối với EOS: mã token EOSBULL
Vị thế Short 3X đối với EOS: mã token EOSBEAR
Vị thế Long 3X đối với XRP: mã token XRPBULL
Vị thế Short 3X đối với XRP: mã token XRPEAR
Vị thế Long 3X đối với Bitcoin: mã token BULL
Vị thế Short 3X đối với Bitcoin: mã BEAR
Vị thế Long 3X đối với Ethereum: mã token ETHBULL
Vị thế Short 3X đối với Ethereum: mã token ETHBEAR
Token đòn bẩy BULL và BEAR là gì?
Sàn FTX là sàn giao dịch đã tạo ra Leveraged Token. Hiện nay, các sản phẩm Leveraged Token được sử dụng trên nhiều sàn giao dịch lớn khác như Binance, Gate. Có 3 loại Leveraged Token được sử dụng trên FTX: BULL (+3x), BEAR (-3x) và HEDGE (-1x).
BULL hay BEAR và các đồng tiền ảo có hậu tố BULL – BEAR là những token giao thức ERC20 & BEP2 dùng để tiếp cận đòn bẩy với tiền mã hoá. Khi sử dụng những token này thì bạn sẽ mở vị thế gấp 3 lần đối với đồng tiền ảo kèm theo đó.
Ví dụ: Khi Bitcoin tăng 1% giá trị trong một ngày thì giá trị đồng BULL sẽ tăng 3%; hay nếu Bitcoin giảm 1% giá trị thì giá trị đồng BULL sẽ giảm 3%.
Anh em có thể mua token đòn bẩy giống như token thông thường trên thị trường giao ngay.
Ưu nhược điểm của Leveraged Token
Cho dù anh em tham gia đầu tư theo hình thức nào, thì cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định và Token đòn bẩy cũng không ngoại lệ. Một số ưu điểm – Nhược điểm của phương thức này anh em có thể tham khảo:
Ưu điểm
Giao dịch dễ dàng, bạn có thể mua bán giống như các đồng tiền mã hóa thông thường trên Spot Trading.
Phí giao dịch thấp và thấp hơn nhiều so với Margin/ Futures. Chỉ khoảng 0,02% đối với Maker (Mua vào) và 0,07% dành cho Taker (Bán ra).
Phí quản lý hàng ngày thấp khi sử dụng Token đòn bẩy FTX chỉ rơi vào 0,03/ngày.
Không bị thanh lý tài khoản. Nếu như chơi Margin/ Futures theo cách thông thường với hệ số đòn bẩy 3x, khi biến động thị trường khoảng 33% thì bạn sẽ bị cháy tài khoản. Còn đối với Token đòn bẩy thì không, nhờ cơ chế tái cân bằng hàng ngày.
Nhược điểm
Khó tính toán, đặc biệt là các nhà đầu tư mới. Tuy việc giao dịch đơn giản như thị trường Spot Trading, nhưng cách tính từ giá của Spot Trading sang Leveraged Token lại khá phức tạp. Nếu không có đủ kiến thức khi dùng Token đòn bẩy, thì rất dễ bị thua lỗ nặng.
Hệ số đòn bẩy cố định, người dùng không thể điều chỉnh theo mức mong muốn.
Cơ chế tái cân bằng của Leveraged Token FTX
Nguồn ảnh: Coincodecap.com
Mặc dù Token đòn bẩy FTX mang tới nhiều tiềm năng lợi nhuận, nhưng có một cơ chế mà ít người chú ý đến, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, đó là cơ chế tái cân bằng – Rebalance. Hiểu đơn giản, đó là cơ chế điều chỉnh giá cho đúng với mục tiêu của hệ số đòn bẩy mà bạn lựa chọn. Để hiểu rõ hơn, anh em có thể xem ví dụ cụ thể sau:
Công thức tính giá Token đòn bẩy = Giá ban đầu x ( 1 + 3x(Biến động giá ngày 1) x (1 + 3x(Biến động giá ngày 2)) x (1 + 3x(Biến động giá ngày 3)).
Ví dụ: Giá ban đầu bạn mua đồng BULL 100$
– Biến động ngày thứ 2 là + 3%
– Biến động ngày thứ 3 sẽ là + 4%
– Biến động ngày thứ 4 bị giảm – 5%
=> Giá Token đòn bẩy sẽ = 100 x (1,09) x (1,12) x (0,85) = 103,768 USD
Trong thực tế, Leveraged Token có 2 luật tái cân bằng lại giá như sau:
Rebalance (cân bằng) lại giá tại thời điểm 2h UTC (9h GMT+7): Đây là luật tái cân bằng giá thứ nhất của Leveraged Token. Nó sẽ tái cân bằng giá hằng ngày để đảm bảo giữ vị thế 3X cho token, thời điểm làm mốc 2h UTC (9h GMT+7).
Rebalance (cân bằng) lại giá khi giá tài sản cơ sở biến động hơn 10% trong ngày. Trường hợp trên áp dụng khi giá cả dao động thấp hoặc bằng 10% một ngày. Nếu giá cả dao động trên 10% một ngày, ta sẽ cần sử dụng luật tái cân bằng thứ hai này. Anh em có thể hiểu luật cân bằng thứ hai kiểu giá tài sản cơ sở biến động quá 10% trong 1 ngày (trước giờ 2h UTC) thì giá trị số tiền của anh em giảm 30% tính trên số tiền ban đầu của anh em. Sau đó vị thế sẽ tự động cân bằng lại.
Lưu ý khi sử dụng Leveraged Token
Để có thể sử dụng Token đòn bẩy (Leveraged Token) một cách hiệu quả, cần ghi nhớ những kinh nghiệm sau:
Nên có một kế hoạch cụ thể về điểm mua, điểm bán phù hợp để có được % lãi nhất định. Bởi nếu % lãi quá thấp, đôi khi việc mua ra, bán vào liên tục còn làm lỗ tài khoản.
Hãy giao dịch với số vốn nhỏ, trước khi gia tăng vốn giao dịch với Leveraged Token
Dùng Token đòn bẩy FTX không thích hợp cho thị trường sideway. Bởi việc đầu tư ở thị trường rõ ràng, % lãi còn cao hơn khi dùng Token đòn bẩy.
Khi thị trường lên xuống >10%/ngày bạn không nên giao dịch với Leveraged Token. Bởi ví dụ như thị trường tăng lên 20%, và sau đó lại giảm 20%, theo cơ chế tái cân bằng, nó sẽ làm tài khoản bạn bị âm.
Lời kết
Token đòn bẩy là công cụ giúp các nhà đầu tư sinh lời cao, tuy nhiên kèm theo đó là rủi ro lớn. Bài viết này của BlockSolfi đã cung cấp những thông tin, kiến thức về bản chất của Leveraged Token và giới thiệu về Token Bull, Bear. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, anh em hãy để lại comment để BlockSolFi giải đáp nhé!