Góc nhìn on-chain: Hy vọng dần vụt tắt

Hiệu suất giá trong suốt 12 tháng qua đã không được như chúng ta kỳ vọng, làm suy yếu chỉ số CAGR của Bitcoin và Ethereum. Chỉ số on-chain về phí gas trung bình cũng đã chỉ ra rằng nhu cầu sử dụng mạng lưới đang suy giảm
Sau khi sự sụp đổ của LUNA và UST vào tuần trước kích hoạt một đợt bán tháo trong hoảng loạn trên toàn thị trường, thì tuần này chúng ta đã bắt đầu thấy thị trường dần bình ổn lại và bước vào giai đoạn đi ngang tích lũy. Bitcoin được giao dịch trong một khung giá khá hẹp từ 28,713 đô đến 31,300 đô
Điều này cũng đồng nghĩa là Bitcoin đã đóng nến đỏ trong 8 tuần liên tiếp, đây cũng là chuỗi tuần giảm giá dài nhất trong lịch sử giao dịch của BTC. Tuần này chúng ta sẽ cùng phân tích về lợi nhuận kỳ vọng trong ngắn hạn (hàng tháng) và dài hạn (trong 4 năm) của cả Bitcoin và Ethereum, nhằm thấy được giai đoạn điều chỉnh giảm lần này đã ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận chung của toàn thị trường như thế nào
Thêm vào đó, khi nhìn vào các chỉ số on-chain của thị trường phái sinh tiền điện tử, chúng ta có thể thấy rõ rằng tâm lý chung của thị trường vẫn lo sợ về một đợt sập giá tiếp theo có thể xảy ra, ít nhất là trong vòng 6 tháng tới. Các chỉ số on-chain cũng tiết lộ rằng nhu cầu sử dụng mạng lưới của Bitcoin và Ethereum cũng đã giảm đi đáng kể, và số lượng ETH được đốt thông qua đề xuất EIP-1559 đang ở mức thấp kỷ lục
Hiệu suất giá quá thấp, tâm lý lo sợ chung của thị trường phái sinh, nhu cầu sử dụng mạng lưới của Bitcoin và Ethereum giảm đáng kể báo hiệu rằng phe mua có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới

Lợi nhuận kỳ vọng của BTC và ETH đang giảm qua từng năm?
Các nhà quan sát thị trường đều đồng tình rằng khi vốn hóa của thị trường ngày càng lớn, thì lợi nhuận kỳ vọng của Bitcoin cũng sẽ theo đó mà giảm dần đi. Điều này có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố:
- Vốn hóa càng lớn thì cũng cần dòng tiền càng lớn để chi phối xu hướng thị trường
- Sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn với các chiến thuật giao dịch nâng cao hơn, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm phái sinh cho phép hedge trading và giao dịch bất kể xu hướng
- Ngày càng có nhiều tin tức và nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường, và nhiều dữ liệu lịch sử hơn cho phép đánh giá tốt hơn về rủi ro, lợi nhuận, chu kỳ của thị trường cũng như tương quan về giá với các thị trường tài chính khác
Từ trước đến giờ đường giá của BTC đã luôn tuân thủ theo chu kỳ tăng giảm 4 năm trùng với các đợt halving của Bitcoin. Biểu đồ dưới đây cho ta thấy tỷ lệ tăng trưởng tổng hợp hàng năm (CAGR) của Bitcoin trong vòng 4 năm qua
Quan sát sự thay đổi của chỉ số CAGR qua từng năm, chúng ta có thể thấy rằng chỉ số CAGR của Bitcoin đã giảm từ hơn 200% vào năm 2015 xuống chỉ còn 50% ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, sự kiện thiên nga đen ngày 19 tháng 5 năm 2021 đánh dấu thời điểm chỉ số CAGR bắt đầu giảm mạnh cũng chính là điểm khởi nguồn cho giai đoạn thoái trào của crypto sau đó kéo dài cho đến hiện tại

Trong ngắn hạn chúng ta có thể thấy mức lợi nhuận kỳ vọng hàng tháng của Bitcoin cũng khá ảm đạm và đang ở mức -30%, đồng nghĩa là Bitcoin đã mất trung bình 1% vốn hóa của mình hàng ngày trong vòng 1 tháng qua
Lợi nhuận kỳ vọng ở mức âm cũng cho thấy đợt giảm giá lần này còn tệ hơn cả đợt giảm giá ngày 4 tháng 12, nhưng chưa tệ bằng đợt giảm giá hồi tháng 5 và tháng 6 năm ngoái. Chúng ta không thường thấy lợi nhuận kỳ vọng thấp một cách thảm hại như thế này, nhưng một khi điều này xảy ra thì nó báo hiệu rằng sắp có một sự kiện có tính biến động cao sắp xảy ra, có thể là khởi đầu hoặc kết thúc của một mùa đông crypto

Lợi nhuận kỳ vọng hàng tháng của Ethereum cũng không khá khẩm gì hơn Bitcoin, thậm chí hơi tệ hơn một chút, ở mức -34.9%. Cho thấy mặc dù hai đồng coin này về bản chất và công nghệ hoàn toàn khác nhau, nhưng đường giá của chúng thì vẫn khá tương quan với nhau

Thêm vào đó, chúng ta còn thấy một sự tương quan thú vị trong chỉ số CAGR của Bitcoin và Ethereum, đặc biệt là trong những giai đoạn điều chỉnh giảm. Trong cả hai sự kiện ra tin COVID vào tháng 3 năm 2020, và sự kiện thiên nga đen vào tháng 5 năm 2021, chỉ số CAGR của hai đồng coin này đã xảy ra hội tụ. Ethereum cũng ghi nhận lợi nhuận kỳ vọng giảm dần qua thời gian
Nói cho công bằng thì hiệu suất giá của Ethereum vẫn vượt trội hơn so với Bitcoin, nhưng qua hàng năm thì sự cách biệt này dần bị thu hẹp. Và trong những đợt khủng hoảng thì chỉ số CAGR của Bitcoin lại vượt trội hơn so với Ethereum
Trong 12 tháng qua, chỉ số CAGR chu kỳ 4 năm của cả hai đồng coin này đều giảm từ khoảng 100%/năm xuống chỉ còn 36%/năm đối với Bitcoin và 28%/năm đối với Ethereum, cho thấy mức độ nghiêm trọng của giai đoạn điều chỉnh giảm lần này

Trong khi Bitcoin vẫn giữ vững ngôi vương của mình là đồng coin có vốn hóa lớn nhất thị trường, thì bao quanh nó là một hệ sinh thái tiền điện tử luôn không ngừng đổi mới và phát triển với những blockchains, coin, giao thức, token cứ liên tục ra đời mỗi ngày. Mặt khác Ethereum cũng đã đứng vững ở vị trí thứ hai trong nhiều năm liền và vẫn thường được ví như “con chim báo bão” cho toàn thị trường
Một công cụ phổ biến thường được dùng để theo dõi hiệu suất tương đối và xu hướng toàn thị trường là chỉ số ‘Bitcoin Dominance’. Phiên bản chỉ số Dominance dưới đây chỉ xét riêng hiệu suất tương đối của vốn hóa Bitcoin và Ethereum. Điều này là nhằm tách bạch chỉ số hiệu suất tương đối của các đồng coin vốn hóa lớn ra khỏi diễn biến vĩ mô của toàn thị trường. Qua biểu đồ này chúng ta có thể thấy được đôi điều:
- BTC Dominance xuất hiện phân kỳ giảm (mũi tên màu xanh) thường xảy ra vào gần giữa mùa uptrend, khi nhà đầu tư bắt đầu phân bổ lại danh mục của mình để hạn chế rủi ro
- BTC Dominance xuất hiện phân kỳ tăng (mũi tên màu đỏ) thường xuất hiện vào giai đoạn đầu của mùa đông crypto, khi tâm lý nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro, lúc này giá giảm mạnh nhưng hiệu suất giá của Bitcoin lại vượt trội hơn Ethereum
Với đợt điều chỉnh giảm liên tiếp trong 6 tháng vừa qua sau khi lập đỉnh vào tháng 11 năm 2021, chúng ta thấy Bitcoin Dominance đã hình thành mô hình phân kỳ tăng. Cùng với sự sụp đổ của LUNA và UST đã khiến dòng tiền đổ về Bitcoin để tránh bão, rất có thể chúng ta sẽ thấy Bitcoin Dominance tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cũng cần phải lưu ý rằng trong mùa đông crypto năm 2018, Ethereum dominance đã duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian khá dài, cho thấy rằng theo thời gian khi Ethereum ngày càng phát triển và hoàn thiện thì giá trị của đồng coin này cũng ngày càng được công nhận

Tâm lý chung trên thị trường phái sinh vẫn kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm sâu
Chuyển qua thị trường phái sinh, chúng ta tiếp tục thấy một sự tương đồng khác của Bitcoin và Ethereum, lần này là tương đồng trong chỉ số lợi tức tiền mặt và mang theo của hợp đồng thông minh. Trong suốt giai đoạn 2020-22, lợi suất gia hạn hợp đồng tương lai kỳ hạn 3 tháng của hai đồng coin này là gần như bằng nhau với rất ít phân kỳ. Cho thấy chỉ cần đủ thanh khoản và volume giao dịch thì các trader sẽ tận dụng bất cứ cơ hội nào để kiếm lời trên thị trường
Ở thời điểm hiện tại, lợi suất gia hạn hợp đồng tương lai kỳ hạn 3 tháng của cả hai đồng coin này đang ở mức 3.1%, khá thấp khi so với dữ kiện lịch sử. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn mức 2.78% của lợi tức kho bạc 10 năm của Hoa Kỳ, điều này có thể sẽ sớm thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường

Tương tự thì thị trường quyền chọn nhị phân cũng cho thấy sự hoang mang không chắc chắn về xu hướng giá trong ngắn hạn, và tâm lý chung cũng kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục giảm giá trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Chỉ số Implied Volatility (IV) đã tăng đột biến trong tuần vừa qua giữa lúc đợt panic sell toàn thị trường đang diễn ra. Chỉ số IV của các quyền chọn ngắn hạn đã tăng hơn gấp đôi từ 50% lên 110%, trong khi đó chỉ số IV của các quyền chọn có kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên mức 75%. Đây được xem là dấu hiệu đảo chiều xu hướng của chỉ số IV sau một thời gian dài chỉ số này được duy trì ở mức thấp

Với việc xu hướng giảm đã tiếp diễn trong thời gian dài, cùng với hiệu suất giá cũng không mấy khả quan thì không có gì ngạc nhiên khi nhà đầu tư ưu tiên vào lệnh Put (đặt cược giá giảm) hơn lệnh Call (đặt cược giá tăng). Chỉ số Put/Call Ratio đối với các lệnh đang mở cũng đã tăng từ 50% lên 70% trong vòng hai tuần qua, cho thấy tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường tiếp tục giảm

Tính đến cuối quý 2, chúng ta có thể thấy nhà đầu tư vẫn ưu tiên vào lệnh Put hơn, với giá thực thi rải quanh các mức 25k đô, 20k đô và 15k đô. Trong khi đó tổng pool của các lệnh Call đang mở thấp hơn đáng kể, với giá thực thi tập trung quanh mức 40k đô
Điều này cho thấy rằng ít nhất là đến giữa năm nay thì tâm lý chung đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu, và/hoặc đang hedge trading để giảm thiểu rủi ro

Tuy nhiên nhìn ra dài hạn hơn thì tâm lý chung của các nhà đầu tư khá lạc quan về triển vọng giá BTC vào cuối năm nay, thể hiện rõ qua các vị thế quyền chọn đang mở. Các nhà đầu tư ưu tiên vào lệnh Call và vùng giá thực thi xoay quanh hai mức giá 70k đô và 100k đô. Thêm vào đó, giá thực thi của các lệnh Put đồng thuận quanh mức 25k đô và 30k đô, cao hơn trung bình so với các quyền chọn đáo hạn vào giữa năm
Dựa trên sự phân tán của các vị thế quyền chọn đang mở, chúng ta có thể thấy được xu hướng thị trường vẫn là không chắc chắn trong ngắn hạn (2-3 tháng). Thay vào đó các nhà đầu cơ đang tận dụng lúc chỉ số implied volatility đang ở mức thấp để kiếm lời, và khá lạc quan về triển vọng giá vào cuối năm nay

Một thị trường ế ẩm phản ánh qua dữ liệu on-chain
Có lẽ vì tâm lý lo sợ đang bao trùm trên thị trường phái sinh đã khiến cho nhà đầu tư dè dặt hơn trong các quyết định đầu tư của mình, dẫn đến hoạt động on-chain của cả Bitcoin và Ethereum duy trì ở mức thấp và không mấy ấn tượng. Thường thì nhu cầu sử dụng mạng lưới cao và khối lượng sử dụng mạng lưới lớn sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn mạng và phí giao dịch tăng vọt. Và mặc dù giữa lúc thị trường đang biến động mạnh vào tuần trước đã làm tăng gấp đôi tổng số phí giao dịch phải trả hàng tuần trên mạng lưới Bitcoin, nhưng sau đó con số này nhanh chóng giảm về mức cũ từ 10-12 BTC đã duy trì từ tháng 5 năm ngoái
Chúng tôi tin rằng sự sụt giảm trong nhu cầu sử dụng mạng lưới là nguyên nhân chính dẫn đến việc phí giao dịch hàng tuần của Bitcoin ở mức khá thấp

Ở một diễn biến khác, mặc dù có một hệ sinh thái blockchain rất phong phú, nhưng Ethereum cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm nhu cầu sử dụng mạng lưới. Phí gas trung bình trên mạng lưới Ethereum đã giảm xuống chỉ còn 26.2 Gwei dù cho hệ sinh thái Ethereum bao hàm rất nhiều ứng dụng, giao thức tài chính và token
Ngoại trừ lần Yuga Labs phát hành bộ sưu tập NFT Otherside và sự kiện LUNA sụp đổ gây bán tháo hàng loạt thì phí gas của mạng Ethereum đã giảm đều kể từ tháng 12 năm ngoái. Mức phí gas trung bình hiện tại đã thấp xấp xỉ với mức thấp của hồi tháng 5 – tháng 6 năm ngoái và đợt ra tin COVID vào tháng 3 năm 2020

Hệ quả của sự suy giảm trong nhu cầu sử dụng mạng lưới là số lượng ETH được đốt thông qua đề xuất EIP-1559 cũng bị giảm theo. Trong đợt phát hành bộ sưu tập NFT Otherside, đã có đến hơn 38,940 ETH được đốt chỉ trong một ngày, nhưng hiện tỷ lệ đốt token hàng ngày đang ở mức thấp nhất lịch sử
Trong tuần này chỉ ghi nhận có 2,370 ETH được đốt, giảm hơn 50% so với hồi đầu tháng 5, tương đương với 18,4% của tổng số token được mint (nói cách khác thì 81.6% lượng ETH được mint ra chảy thẳng vào cung lưu thông). Mặc dù có đốt 18.4% thì vẫn đỡ hơn là không đốt miếng nào, nhưng một lượng lớn ETH được mint ra chảy thẳng vào cung lưu thông như vậy có thể sẽ gây áp lực rất lớn lên giá ETH

Cuối cùng để có thể đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng mạng lưới Ethereum, chúng ta có thể xét qua hoạt động on-chain của một số token DeFi phổ biến như AAVE, COMP, UNI và YFI. Các biểu đồ dưới đây biểu thị số lượng địa chỉ ví hoạt động tích cực của những token này, cũng như khối lượng giao dịch của những token này được tính bằng USD. Đây là những số liệu và phép so sánh tương đối đơn giản, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được mối tương quan với hiệu suất giá là khá rõ ràng.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mối tương quan chặt chẽ giữa hoạt động on-chain và hiệu suất giá của các token này, và ở thời điểm hiện tại cả hai chỉ số này đều ở mức khá thấp. Có một sự tăng nhẹ trong hoạt động on-chain hồi tuần trước, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi để có thể xác định đây là dấu hiệu đảo chiều xu hướng, hay chỉ đơn giản là một con sóng hồi

Tổng kết
Mùa đông crypto nào thì cũng có nhiều đau thương, và mùa đông lần này cũng không phải ngoại lệ. Cho đến khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu tạo đáy và đi ngang tích lũy, thì bản thân chúng ta là các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục trầm luân trong bóng tối trước khi thấy được ánh sáng nơi cuối con đường. Những dữ liệu trong bài viết này cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh của thị trường khá ảm đạm ở thời điểm hiện tại, hiệu suất giá thì cứ giảm dần qua từng năm, lợi nhuận dài hạn cũng suy giảm, thị trường phái sinh trong ngắn hạn bao trùm bởi tâm lý hoang mang lo sợ, sự sụt giảm trong nhu cầu sử dụng mạng lưới và hoạt động on-chain
Hiệu ứng này khá tương đồng giữa các đồng coin, cả Bitcoin và Ethereum đều ghi nhận mức sử dụng và nhu cầu thấp hơn đáng kể so với giai đoạn thị trường bull run. Sự sụp đổ của LUNA và UST hồi tuần trước đã thúc đẩy dòng tiền từ các token DeFi chảy ngược về Bitcoin. Trong lịch sử thì xu hướng dịch chuyển dòng tiền này thường báo hiệu cho một mùa đông đang đến, khi nhà đầu tư bắt đầu tái cơ cấu danh mục của mình vào các tài sản lưu trữ giá trị để tránh bão
Tựu chung lại thì hiệu suất giá trong 12 tháng qua của thị trường tiền điện tử không được khả quan cho lắm, và đợt điều chỉnh giảm lần này đã gây ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng lợi nhuận dài hạn của toàn thị trường
Như dân gian thường có câu: “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai,” không sớm thì muộn mùa đông crypto cũng sẽ đi qua, nhường chỗ cho một mùa xuân tiếp theo rực rỡ hơn bao giờ hết.
BlockSolFi tổng hợp
Tham gia bàn luận ngay cùng BlockSolFi tại Telegram và Facebook.
Đọc thêm:
Góc nhìn on-chain tuần 2 tháng 5 (09/05 – 15/05): stablecoin bất ổn
7 block được tái cấu trúc trên Beacon Chain của Ethereum làm dấy lên lo ngại bảo mật
Đánh giá stablecoin hậu sự cố TerraUSD: So sánh Top 5 stablecoin phổ biến nhất