Góc nhìn on-chain tuần 2 tháng 5 (09/05 – 15/05): stablecoin bất ổn

Thị trường tiền điện tử vừa trải qua một tuần lịch sử thể hiện qua những dữ liệu on-chain, chứng kiến đế chế LUNA/UST với vốn hóa hơn 40 tỷ đô trải qua thời kỳ siêu lạm phát và sụp đổ, LFG xả hơn 80,000 BTC để giải cứu UST nhưng bất thành, mức neo 1 đô của đồng Tether cũng đang chịu áp lực bán cực lớn
Một tuần vừa qua của thị trường crypto đầy những biến động và hỗn loạn, mọi ánh mắt đều đổ dồn về tỷ giá của hai đồng stablecoin là UST và USDT. Chỉ trong vài ngày, hai đồng coin top 10 tính theo vốn hóa là LUNA và UST đã thổi bay 40 tỷ đô tài sản của nhà đầu tư. UST thì mất tỷ giá neo với đồng đô Mỹ và chia 10 trong đau đớn, nhưng đau đớn hơn cả là LUNA mất hết 100% giá trị của mình và giảm về 0.00001 đô do bị siêu lạm phát. Dẫn đến việc Luna Foundation Guard (LFG) phải đẩy 80,394 BTC trong ngân khố của mình lên sàn và bán tháo để cứu UST nhưng bất thành.
Sau đó vào cuối tuần, do tâm lý chung vẫn còn chưa nguôi ngoai về việc UST mất giá, thị trường lại tiếp tục lo sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra với Tether (USDT), hàng loạt nhà đầu tư hoảng loạn cash out ra khỏi USDT khiến cho tỷ giá của đồng stablecoin top 1 thị trường này có lúc đã giảm xuống còn 0.9565 đô, rất may chỉ sau đó 24 giờ tỷ giá của USDT đã hồi phục và hiện đang được giao dịch ở mức 0.998 đô.
Do phải cùng lúc hứng chịu những phốt stablecoin, cùng với áp lực bán khổng lồ hơn 3.275 tỷ đô từ LFG, Bitcoin đã giảm 21.2% xuống còn 26,513 đô. Đây là mức giá thấp nhất của Bitcoin kể từ tháng 12 năm 2020 và lẽ dĩ nhiên điều này đã gây áp lực phần nào lên tâm lý chung của các nhà đầu tư.
Trong bài viết tuần này chúng ta sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính, lần lượt là:
- Động lực thị trường của UST và LUNA, điều gì đã xảy ra với nguồn cung của LUNA và UST, cách mà LFG đã sử dụng trữ lượng Bitcoin của mình
- Sự mất giá tạm thời của USDT, và ảnh hưởng của nó đến nhận thức chung của nhà đầu tư đối với các đồng stablecoin khác như USDC, BUSD và DAI
- Giá thị trường của Bitcoin giảm xuống dưới mức Giá thực tế (Realized Price), vốn theo dữ liệu lịch sử đã luôn đóng vai trò là một mức hỗ trợ cứng cho Bitcoin, và phản ứng của thị trường trước hành động giá của Bitcoin

Cú sập chưa từng có tiền lệ của LUNA
Trong vài năm trở lại đây, stablecoin đã nổi lên như một cảng tránh gió của thị trường crypto và mảng này thậm chí đã phát triển lớn đến mức chiếm thị phần đáng kể trong vốn hóa toàn thị trường. Vào ngày 8 tháng 5 trước khi thảm họa xảy ra, vốn hóa mảng stablecoin ghi nhận ở mức cao nhất hơn 135 tỷ đô giữa các đồng USDT, USDC, BUSD, DAI và UST.
Cơ chế hoạt động của stablecoin thì cũng muôn màu muôn vẻ, nhưng tựu chung thì có thể phân ra 3 loại chính:
- Được bảo chứng (USDT, USDC, BUSD)
- Được thế chấp vượt mức bằng tài sản tiền điện tử (DAI)
- Stablecoin thuật toán (UST)
Trong trường hợp của UST và LUNA, hai đồng coin này được ràng buộc với nhau bằng thuật toán và người dùng có thể hoán đổi 1 UST ra một lượng LUNA có giá trị tương ứng 1 đô (và ngược lại), không quan trọng giá trị thị trường của hai đồng coin này. Điều này có nghĩa là khi nhu cầu sở hữu UST tăng lên thì nguồn cung LUNA sẽ giảm phát (và giá thường tăng theo), nhưng điều ngược lại cũng có thể xảy ra là khi nhu cầu sở hữu UST giảm xuống thì giá LUNA cũng có thể giảm theo và nguồn cung LUNA có thể (đã trở thành sự thật) bị siêu lạm phát.
UST bắt đầu bị mất tỷ giá neo của mình so với đồng đô Mỹ vào ngày 9 tháng 5, khi đó LUNA còn được giao dịch quanh mức 60 đô (đã giảm xấp xỉ 49.5% từ đỉnh 199 đô). Trong 36 giờ tiếp theo, giá của LUNA đã giảm về 0.1 đô, và tỷ giá UST thì biến động mạnh trong khung giá 0.3 đô cho đến 0.82 đô. Hệ quả là nhà đầu tư hoảng loạn và đổ xô đổi UST của mình ra số lượng LUNA có giá trị tương ứng, khiến cho cơ chế hoán đổi giữa UST và LUNA bị quá tải, làm lạm phát nguồn cung LUNA và giá LUNA giảm thê thảm hơn nữa
Tại thời điểm bài này được viết, LUNA đang được giao dịch quanh mức 0.0002 đô (giảm 99.999% từ đỉnh cũ), và UST đang ổn định quanh mức 0.1251 đô, thấp hơn nhiều so với mức giá neo 1 đô.

Mức độ lạm phát nghiêm trọng của LUNA có thể thấy được ở hình dưới, trong hình chúng ta có thể thấy nguồn cung của UST (đường màu xanh bên phải) giảm đều, trong khi đó nguồn cung của LUNA (đường màu đỏ bên trái) tăng thẳng đứng. Chỉ trong khoảng thời gian 1 tuần, 7.5 tỷ UST đã được đổi ra USD (40% tổng cung), trong khi đó nguồn cung của LUNA thì bị lạm phát từ mức 343 triệu lên hơn 6.53 nghìn tỷ token, tương đương với mức lạm phát hàng năm 99,263,840%

Đã có lúc vào ngày 13 tháng 5, blockchain LUNA đã phải ngừng hoạt động do sự ảnh hưởng của siêu lạm phát đến cơ chế quản trị và sự ổn định của mạng lưới.
Để giải cứu UST và phục hồi tỷ giá cho đồng stablecoin này về 1 đô, Luna Foundation Guard đã quyết định sử dụng trữ lượng Bitcoin của mình. Được biết ngân khố của LFG đã tích trữ được 80,384 BTC trong vài tháng qua, với những đợt thu mua Bitcoin lớn nhất diễn ra từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 5 tháng 5. Tổng giá trị của số Bitcoin này tương đương khoảng 3.275 tỷ đô.
Tuy nhiên chỉ trong 21.5 giờ giữa ngày 9 và ngày 10 tháng 5, số Bitcoin này đã bị xả sạch sẽ

Như hình dưới chúng ta có thể thấy LFG đã chia ra 3 đợt để xả Bitcoin. Đợt đầu tiên xả khoảng 750 triệu đô (22,189 BTC) vào lúc 3h30’ sáng ngày 9 tháng 5, lúc này tỷ giá của UST vẫn còn ở mức 0.98 đô. Đợt thứ hai xả 30,000 BTC (916 triệu đô) cách 15 tiếng so với đợt xả đầu tiên, và đợt xả cuối cùng xả 28,205 BTC (873 triệu đô) cách 6.5 tiếng so với đợt xả thứ 2, đánh dấu trữ lượng BTC của LFG chính thức về 0.
Một lượng lớn BTC tương ứng được ghi nhận đã được chuyển lên các sàn giao dịch trong khoảng thời gian 6h30’ tối ngày 9 tháng 5 đến 1h10’ sáng ngày 10 tháng 5 đến các ví của các sàn giao dịch. Theo quan sát của chúng tôi, số BTC này được phân bổ giữa các sàn giao dịch như sau:
- 52,189 BTC được chuyển lên sàn Gemini thông qua kênh OTC (ngay sau đó được chuyển qua các sàn khác, bao gồm cả Binance)
- 28,205 BTC được chuyển thẳng lên Binance

Sau đó LFG đã xác nhận gần như toàn bộ ngân sách dự trữ BTC của họ đã được bán hết, và tính đến ngày 16 tháng 5 họ chỉ còn lại khoảng 313 BTC trong ngân khố của mình.
Tổng cộng có khoảng 88K BTC được chuyển lên các sàn giao dịch trong khoảng thời gian này, cao hơn mức 80,394 BTC của LFG. Cho thấy động thái của LFG đã kích hoạt một hiệu ứng dây chuyền và khiến các nhà đầu tư bán Bitcoin của mình trong hoảng loạn. Một lượng lớn BTC đã được rút khỏi Coinbase vào ngày 14 tháng 5, tuy nhiên có vẻ như LFG không lưu trữ Bitcoin của mình trên Coinbase

Những đồng stablecoin bất ổn
Như để thêm dầu vào lửa thì vào ngày 11 tháng 5, đồng stablecoin lớn nhất thị trường tính theo vốn hóa là Tether (USDT) cũng bị mất tỷ giá neo của mình so với đồng đô Mỹ. Mặc dù UST đã từng có vốn hóa khổng lồ ở mức 21 tỷ đô, nhưng cũng chưa xi nhê gì so với mức vốn hóa 83 tỷ đô của USDT, và với vai trò là đồng stablecoin top 1 thị trường thì tỷ giá của USDT còn quan trọng và mang tính sống còn với toàn thị trường hơn cả UST.
Trong giai đoạn từ ngày 11 tháng 5 đến giữa ngày 12 tháng 5, USDT tạm thời bị mất tỷ giá neo của mình so với đồng đô và đã có lúc chỉ còn 0.9565 đô, trước khi bắt đầu phục hồi trong 36 tiếng tiếp theo và hiện đang được giao dịch quanh mức 0.998 đô. Cũng trong khoảng thời gian này, các đồng stablecoin khác như USDC, BUSD và DAI lại tăng giá nhẹ 1-2% so với tỷ giá neo của chúng do các nhà đầu tư chuyển tiền của mình qua các đồng này với tâm lý chung cho rằng những đồng stablecoin này ít rủi ro hơn.

Tether ra thông báo vào ngày 12 tháng 5 giữa lúc đồng stablecoin của họ đang bị mất giá nặng rằng mọi người vẫn có thể rút tiền thoải mái, và đã có hơn 2 tỷ đô được rút ra khỏi USDT rồi.
Quan sát nguồn cung của USDT thì chúng ta có thể thấy rằng phát ngôn này hoàn toàn đúng, tổng cộng 7.485 tỷ đô đã được rút ra khỏi USDT chỉ tính riêng trong tuần này. Tổng cung của USDT đã giảm từ mức cao nhất là 81.237 tỷ xuống còn 75.75 tỷ. Như đã đưa tin trước đó, đợt cash out khỏi stablecoin lần này là đợt cash out lớn nhất từng ghi nhận trong lịch sử, chủ yếu là để chuyển qua USDC.

Chúng tôi cũng ghi nhận một vài sự thay đổi thú vị trong nguồn cung của các đồng stablecoin lớn khác, gợi ý về tâm lý chung của nhà đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng này. Tổng cung của USDC hấp thụ gần như toàn bộ dòng tiền được rút ra từ các stablecoin khác, tăng thêm 2.639 tỷ token. Với sự tăng trưởng thị phần của USDC trong 2 năm trở lại đây, có thể thấy quan điểm và góc nhìn của nhà đầu tư đang dần dần dịch chuyển khỏi USDT và chuyển sang USDC như một lựa chọn stablecoin hàng đầu.

Một đồng stablecoin khác có sự thay đổi lớn trong tổng cung là DAI, giảm 24.4% tương đương với 2.067 tỷ DAI đã được đốt. DAI là một đồng stablecoin được thế chấp vượt mức, bảo chứng bằng các loại tài sản tiền điện tử khác được gửi trên Maker Protocol. Nguồn cung của DAI sẽ giảm phát khi các con nợ đóng vị thế của mình hoàn trả lại DAI và lượng DAI đó sẽ được đốt đi.
Quy trình này có thể diễn ra tùy theo ý định của nhà đầu tư, hoặc diễn ra bắt buộc khi một vault bị thanh lý. Tuy nhiên mặc cho tính biến động cao của các loại tài sản thế chấp, nhu cầu sở hữu DAI cũng cao không kém, và qua nhiều sự kiện thanh lý thì tỷ giá của đồng DAI vẫn thành công duy trì ở mức 1 đô, thực ra là vẫn cao hơn 1 đô chút xíu

Thiệt hại nặng nề phản ánh qua dữ liệu on-chain
Khi thảm họa của LUNA dần lắng xuống, chúng ta mới bàng hoàng nhận ra rằng LFG đã xả trữ lượng BTC của mình với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá họ mua. Cùng với tin xấu về việc USDT bị mất giá, Bitcoin lần đầu tiên giảm xuống dưới mức hỗ trợ 29K đô kể từ tháng 7 năm 2021. Điều này cũng đồng nghĩa là tất cả những nhà đầu tư mua Bitcoin trong năm 2021 và 2022 hiện giờ đều đang thua lỗ
Khoản thua lỗ từ tất cả các hoạt động on-chain đạt mức 2.5 tỷ đô trong 2 ngày liên tiếp, ngang với các đợt khủng hoảng khác trong lịch sử (lớn nhất nếu xét tổng thể)
Chỉ tính riêng LFG đã bị thua lỗ hơn 703.7 triệu đô. Cũng cần lưu ý rằng đây là mới chỉ tính riêng khoản thua lỗ khi LFG xả trữ lượng BTC của mình, chứ chưa tính đến thiệt hại khi BTC được giao dịch với UST và đồng LUNA đang bị siêu lạm phát.

Khi thị trường Crypto dần tăng trưởng vốn hóa theo thời gian, thì các khoản lỗ tính bằng đô cũng sẽ tăng theo thời gian. Do đó chúng ta có thể thiết lập một chỉ số “thua lỗ tương đối” bằng cách chia số tiền thua lỗ thực tế hàng ngày trên toàn mạng lưới cho vốn hóa thực tế để so sánh tương quan giữa các chu kỳ
Lúc này chúng ta có thể thấy được thua lỗ và tổn thất từ thảm họa LUNA vẫn là một sự kiện gây thua lỗ thảm khốc nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, thổi bay khoảng 0.28% vốn hóa thực tế của thị trường. Thảm họa lần này được so sánh với các sự kiện lịch sử như:
- Sự bán tháo trong mùa đông crypto năm 2018
- Đợt giảm tháng 3 năm 2020 khi ra tin về đại dịch COVID
- Sự kiện thiên nga đen ngày 19 tháng 5 năm 2021

Giá thực tế vẫn còn ở mức chấp nhận được
Giá thực tế là một trong những chỉ số lâu đời và cơ bản nhất được sử dụng trong phân tích on-chain. chỉ số này được tính bằng cách chia vốn hóa thực tế, gồm tổng vốn hóa của tất cả các đồng coin khi chúng được di chuyển lần cuối, chia cho tổng cung của các coin đó. Từ đó phản ánh chi phí mua trung bình của tất cả các đồng coin đang lưu hành.
Theo dữ liệu lịch sử thì đường Giá thực tế đã luôn là một hỗ trợ cứng cho thị trường trong những giai đoạn giảm giá nặng nề, và cho tín hiệu là thị trường đang tạo đáy khi giá thị trường giảm xuống dưới mức Giá thực tế. Bảng thống kê dưới đây liệt kê các chu kỳ giảm trước đây của thị trường, và khoảng thời gian giá thị trường được giao dịch dưới mức Giá thực tế.
Có thể nhận ra ngay là qua mỗi chu kỳ giảm thì số ngày giá thị trường được giao dịch thấp hơn mức Giá thực tế ngày càng ít đi. Đây có thể là kết quả của việc người dùng đại chúng ngày càng nhận thức rõ hơn về thị trường crypto và do đó cũng ngày càng chấp nhận thị trường này (bắt đầu từ năm 2018). Trong bảng này thì đợt giảm tháng 3 năm 2020 là đáng chú ý nhất khi giá thị trường chỉ giao dịch dưới mức Giá thực tế trong vòng 7 ngày thay vì hàng tháng trời như những đợt giảm trước đó.

Đợt giảm tuần trước khi giá Bitcoin đạt mức thấp nhất là 26,513 đô thì Giá thực tế lúc đó là khoảng 24,000 đô. Trước áp lực bán tháo từ LFG, sự bay màu của LUNA và UST, và nỗi sợ USDT bị mất giá bao trùm, giá spot của Bitcoin đã có lúc chỉ còn cách Giá thực tế một khoảng 9.5%
Do ảnh hưởng của chỉ số thua lỗ thực tế như đã nói ở trên, vốn hóa thực tế đã giảm 7.92 tỷ đô, Cho thấy dòng tiền đã chảy ra khỏi Bitcoin và làm cho giá thực tế giảm 60 đô xuống còn 23,940 đô

Mặc cho những biến động tiêu cực về giá của Bitcoin, phe mua vẫn đang tích cực gom hàng. Biểu đồ Accumulation Trend Score bên dưới sẽ cho giá trị tiệm cận 1 khi có một lượng lớn Bitcoin được thu mua
Vào thứ 5 ngày 12 tháng 5, khi giá Bitcoin đang ở mức thấp nhất, giá trị của chỉ số Accumulation Trend Score đã đảo chiều và tăng từ mức 0.3 lên đến mức 0.796. Hỗ trợ cho giá của Bitcoin quay về trên 30,000 đô, chỉ số này tiếp tục tăng lên trên 0.9 trong những ngày tiếp theo, báo hiệu phe mua đang hoạt động tích cực và chiếm ưu thế.

Điều này có thể được xác nhận thêm khi nhìn vào các nhóm ví khác nhau đã tham gia mua Bitcoin. Những gì chúng ta có thể thấy là sự đảo ngược nhanh chóng từ tích lũy yếu (<0,3, màu ấm) trên tất cả các nhóm ví vào đầu tháng 5, sang tích lũy mạnh trên hầu hết các nhóm ví trong tuần này (> 0,7, màu lạnh).
Các holder vốn nhỏ (< 1BTC) là những người thu mua BTC nhiều nhất, được hỗ trợ bởi các cá voi có hơn 10K BTC (bao gồm cả ví của LFG vốn đã được phân phối hoàn toàn). Các ví có từ 100 BTC đến 10K BTC vẫn khá dè dặt trong việc gom hàng
Từ đó chúng ta có thể rút ra kết luận rằng mặc dù có sự gom hàng mạnh được ghi nhận trên các sàn giao dịch, thì mức thua lỗ thực tế vẫn đạt mức cao nhất lịch sử, LFG xả toàn bộ trữ lượng hơn 80K BTC của mình, các cá voi vẫn tiếp tục gom hàng. Sự bù trừ này ảnh hưởng lớn đến chỉ số Accumulation Trend Score

Tổng kết
Những gì xảy ra trong tuần này có thể nói là những sự kiện lịch sử, thị trường đi đúng với kịch bản mùa đông crypto. Đã từng có nhiều tiền lệ trước đây về các dự án blockchain lớn thật sự bất ổn hơn chúng ta tưởng, và cuối cùng sụp đổ do chính sức nặng của chúng. Những sự kiện như thế thường xảy ra do áp lực bán trong mùa đông crypto, khi nhu cầu giảm và các hệ thống mang tính thử nghiệm (thường sử dụng đòn bẩy) lại phải chịu quá nhiều áp lực cùng lúc
Khi các stablecoin ngày càng được tích hợp làm cơ sở hạ tầng lớp cơ sở trên thị trường, sóng xung kích của các sự kiện mất tỷ giá neo, đặc biệt là đối với các đồng stablecoin lớn nhất nhì như USDT sẽ gây ra tác động sâu rộng. Ảnh hưởng kép từ việc UST và USDT mất giá cùng lúc, 40 tỷ đô vốn hóa của LUNA/UST bị thổi bay và việc LFG xả 80K BTC trong ngân khố đã hội tụ thành một thảm họa siêu to khổng lồ. Thảm họa lần này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.
Việc thị trường có hồi phục trước khi chạm đến ngưỡng Giá thực tế hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn, và nếu điều đó thực sự xảy ra thì chúng ta sẽ chứng kiến giá thị trường được giao dịch dưới mức Giá thực tế trong bao lâu? Vài tháng, vài tuần, vài ngày hay chỉ vài giờ? chẳng ai biết chắc được. Cũng có thể ngày này sẽ không bao giờ tới nếu phe mua chấp nhận gom hàng quanh vùng giá 20,000 đô. Cũng cần phải lưu ý là còn rất nhiều yếu tố vĩ mô, lạm phát và chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng và làm thay đổi cục diện của thị trường. Nhưng có một điều tôi có thể nói đó là chặng đường phía trước hãy còn rất nhiều chông gai và tương lai của thị trường tiền điện tử không có gì hơn ngoài hai chữ VÔ ĐỊNH.
BlockSolFi tổng hợp
Tham gia bàn luận ngay cùng BlockSolFi tại Telegram và Facebook.
Đọc thêm:
Cách tái cơ cấu danh mục đầu tư để sống sót qua mùa đông crypto