Polkadot (DOT) – giải pháp kết nối tất cả các blockchain có gì đặc biệt?

Theo khảo sát phát triển blockchain toàn cầu năm 2021 của Deloitte, gần 76% giám đốc điều hành được khảo sát cho biết họ kỳ vọng tài sản kỹ thuật số sẽ là giải pháp thay thế vững chắc cho hình thức trao đổi tài sản toàn cầu trong 5-10 năm tới.
Công nghệ blockchain đang dần chứng minh khả năng cách mạng hóa thế giới của mình, giống như sự ra đời của điện hay internet. Blockchain đang dần thay đổi cách chúng ta trao đổi giá trị, chuyển quyền sở hữu và xác minh giao dịch.
Điểm danh 3 hạn chế khiến blockchain khó “thăng hoa”
Công nghệ blockchain cho phép bất kỳ tài sản hoặc dịch vụ nào được đại diện và lưu trữ trên chuỗi khối, do đó dân chủ hóa quyền truy cập với sự minh bạch và tính bảo mật cao. Sự ra đời và phát triển lớn mạnh của Bitcoin là nền móng vững chắc cho thị trường tiền điện tử, DeFi, GameFi,… Thế nhưng, khi càng nhiều người bắt đầu sử dụng tiền điện tử nhiều hơn, blockchain bắt đầu lộ rõ những điểm yếu của mình.
Ba vấn đề chính cản đường phát triển của blockchain bao gồm:
Khả năng tương tác
Các blockchain hiện tại còn hoạt động riêng lẻ, không có sự tương tác với nhau. Cho nên việc chuyển tiền (các đồng token chính) của các blockchain gần như là không thể.
Ví dụ: Không giống như việc chuyển tiền fiat qua lại giữa các cá nhân, chúng ta có thể dễ dàng chuyển tiền VNĐ sang USD thông qua các cổng thanh toán quốc tế như VISA hay Master Card. Trong thế giới tiền điện tử, nếu An đang có 5 đồng BTC, An muốn chuyển cho Hồng. Nhưng Hồng không sử dụng Bitcoin, mà sử dụng Ethereum (đồng ETH). Vì thế An sẽ không thể chuyển BTC vào ví của Hồng được.
Khả năng mở rộng
Vấn đề chung của các blockchain hiện tại đó là khả năng và tốc độ xử lý giao dịch. Nếu VISA có thể xử lý khoảng 17.000 giao dịch/ giây, thì Bitcoin hay Ethereum chỉ có thể xử lý chưa đến 30 giao dịch/ giây. Hiện tại, mỗi phút có hơn 100.000 giao dịch đang chờ Ethereum xử lý, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ngày càng cao.
Khó làm mới, chia tách
Việc thay đổi và tạo ra một blockchain mới không hề đơn giản và tốn nhiều thời gian. Không chỉ vậy, Bitcoin hoặc các blockchain khác cần phải có các đợt phân tách (hardfork) để nâng cấp.
Cha đẻ của Polkadot (DOT) chính là Gavin Wood – cựu Giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer – CTO) của Ethereum Foundation. Gavin Wood cũng chính là người phát minh ra ngôn ngữ lập trình Solidity, viết Yellow Paper, và sáng tạo ra máy ảo Ethereum (EVM).

Tiến sĩ Gavin Wood hiểu rất rõ blockchain có thể làm được gì và những hạn chế của công nghệ này. Sau khi rời Ethereum vào năm 2016, Gavin Wood đã sáng lậpParity Technologies (trước đây là Ethcore), một công ty phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi cho Ethereum, Bitcoin, Zcash và Polkadot; và sau đó là Web3 Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào cơ sở hạ tầng và công nghệ internet phi tập trung, bắt đầu với mạng Polkadot. Chính vì thế, Polkadot được kỳ vọng sẽ là một hệ sinh thái “làm nên chuyện” trong tương lai.
Polkadot (DOT) là gì?
Polkadot là một mạng lưới giúp các blockchain riêng lẻ có thể kết nối và tương tác với nhau. Nhờ vậy, các blockchain có thể chia sẻ dữ liệu một cách phi tập trung. Hai khó khăn khi sử dụng blockchain liên quan đến khả năng tương tác và mở rộng của mạng lưới cũng được tháo gỡ.

Hãy thử tưởng tượng, mỗi một blockchain (như Bitcoin, Ethereum, Cardano, Solana,…) là một quốc gia, mỗi quốc gia sẽ có một hệ thống chính trị riêng, một đồng tiền riêng, một chiến lược phát triển riêng. Các quốc gia muốn đi lại giao thương với nhau thì sẽ cần thông qua các con đường như: đường thủy, đường sắt, đường hàng không,… Polkadot chính là “con đường” đó.
Trong khi nhiều hệ sinh thái khác nhận mình là “Ethereum Killer”, Polkadot từ tốn nhận mình là một giải pháp vì cộng đồng, và “hỗ trợ Ethereum” bằng cách xử lý các hạn chế của blockchain ở thời điểm hiện tại.
Cơ cấu hạ tầng của Polkadot
Relay chain – “thủ đô” của Polkadot
Mỗi quốc gia sẽ có một cơ quan đầu não nằm tại thủ đô, ví dụ Hà Nội chính là thủ đô của Việt Nam. Đây sẽ là nơi đưa ra các quyết định quan trọng, các chính sách kinh tế – xã hội, và nắm toàn quyền điều hành đất nước. Relay chain cũng là một thủ đô như thế của Polkadot, nó chính là nơi xử lý các giao dịch và chịu trách nhiệm bảo mật cho hệ thống thông qua cơ chế đồng thuận proof-of-stake.

Cách hoạt động của Polkadot cũng giống như 1 hub, ở giữa là relaychain, xung quanh là các nhánh khác gọi là Parachain được điều khiển bởi Relaychain. Cũng giống như các blokchain sử dụng cơ chế đồng thuận PoS, Polkadot cũng có một hệ thống rất nhiều các validators tham gia vào hoạt động xác minh giao dịch và bảo mật chuỗi khối. Để trở thành một validators trong mạng lưới Polkadot, chúng ta cần sở hữu ít nhất 10.000 DOT.
Parachain – quốc gia nhỏ tự trị bên trong Polkadot
Đây là các chuỗi con trực thuộc mạng lưới chính của Polkadot. Các dự án có thể xây dựng dApp của riêng mình trên các chuỗi này.
Có thể hiểu đơn giản rằng, cách Polkadot hoạt động cũng giống như các nước Pháp, Thụy Sỹ, Đức,… trong khu vực liên minh châu Âu, khác ở chỗ, người dân tại đây sử dụng đồng tiền của quốc gia mình, chứ không phải có một đơn vị tiền tệ chung. Tại Polkadot có hơn 100 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia sẽ có quyền tự trị.
Các công ty khi muốn đầu tư vào quốc gia nào, có thể xem xét các yếu tố như: bảo mật, tốc độ giao dịch, chi phí giao dịch,.. để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Họ có thể thoải mái xây dựng và phát triển thành phố tùy theo mục đích và lĩnh vực kinh doanh của họ. Ví dụ các Dapps DeFi sẽ đề cao tính bảo mật để đảm bảo an toàn cho hàng chục tỷ đô la tiền bị khóa trong hợp đồng thông minh, còn các Dapps về Game sẽ cần ưu tiên tốc độ xử lý giao dịch, để trải nghiệm người chơi được mượt mà nhất.

Điều đáng chú ý là 100 quốc gia này chỉ cho thuê, chứ Polkadot sẽ không bán. Bạn có thể thuê mỗi quốc gia từ 6 tháng đến 2 năm. Để được thành công ký hợp đồng thuê đất với Polkadot thì bạn phải chiến thắng cuộc đấu giá, nếu bạn là người là người trả mức giá cao nhất trong một thời gian nhất định thì bạn chiến thắng và số tiền đó sẽ bị khoá lại cho 2 năm.
Gavin Wood giải thích sự phối hợp hoạt động của Relaychain và Parachain như một văn phòng, với rất nhiều nhân viên, mỗi người làm ở một vị trí khác nhau. Họ sẽ tự quản lý công việc hằng ngày của mình. Sau đó, họ sẽ tham gia một cuộc họp giao ban với sếp để báo cáo và cập nhật tình hình. Việc này giúp Polkadot đảm bảo các blockchain hoạt động trên hệ thống được thống nhất và đảm bảo tính bảo mật tới mức tối đa.
Substrate framework
Khi bạn đấu giá được một quốc gia nhỏ thành công, thì bạn sẽ có thể có toàn quyền tự thiết kế cơ sở hạ tầng để phát triển cho phù hợp với mục đích kinh doanh của mình. Các nhà phát triển tại quốc gia này cũng được thừa hưởng khả năng bảo mật của Polkadot.
Substrate là một khung phần mềm được phát triển bởi Parity Technologies để tạo các blockchains tùy chỉnh. Các nhà phát triển có thể truy cập vào thư viện để chọn các mẫu blockchain tùy chỉnh. Điều này giống như việc, muốn tạo một website, bạn không cần phải tốn thời gian tìm hiểu về code. Có rất nhiều công ty giúp cung cấp các mẫu thiết kế website với nhiều ứng dụng được phát triển sẵn như WordPress, việc bạn cần làm là chọn theme mình thích, sau đó tự điều chỉnh lại phù hợp với mong muốn sử dụng của bạn.

Nhờ vậy, Substrate giúp các nhà phát triển tạo ra blockchain mà không cần tốn quá nhiều thời gian hay yêu cầu các chuyên gia trong lĩnh vực blockchain để thiết kế, mà vẫn giữ được tính bảo mật của blockchain. Bên cạnh đó, việc gia nhập vào quốc gia Polkadot, bạn sẽ có thể dễ dàng trao đổi tiền tệ, thông tin, dữ liệu qua lại với 99 lô đất khác mà không có bất kỳ sự khó khăn nào. Giống như chúng ta tự do dễ dàng di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác trong lãnh thổ Việt Nam vậy.
Parathreads
Về cơ bản, Parathreads cũng là parachains. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng là parathreats không yêu cầu quyền truy cập liên tục vào parachains. Parathreads vẫn cho phép các dự án hưởng sự an ninh và tương tác với ít rào cản về chi phí hơn nếu ứng dụng của họ không yêu cầu thông lượng cao. Sử dụng parathreads, bất kỳ nhóm phát triển nào cũng có thể truy cập vào relaychain và khởi động ứng dụng của họ. Vì thế, Parathreats chính là một giải pháp tối ưu về chi phí cho các dự án không có nhu cầu kết nối thường trực.

Bridge
Bridge là một loại Parachain đặc biệt có chức năng liên kết và tương tác giữa Polkadot và các quốc gia bên ngoài hệ sinh thái này như Bitcoin, Ethereum, Binance Smart Chain…Cụ thể là nó cho phép dịch chuyển token và dữ liệu giữa Polkadot và các mạng bên ngoài.
Polkadot mở ra rất nhiều con đường, mỗi con đường được xây dựng để phục vụ một nhu cầu khác nhau. Đó có thể là DeFi, Oracle, hay GameFi. Các con đường này chạy song song với nhau, giúp phân loại các giao dịch, giảm tắc nghẽn trong quá trình xử lý hơn, cho phép khả năng mở rộng vượt trội so với các blockchain hiện tại. Cho nên, khi những blockchain đó tiến hành nâng cấp hệ thống thì không còn gặp vấn đề hard-fork chia chuỗi nữa.
4 nhân tố quan trọng trong quá trình vận hành hệ sinh thái Polkadot
Nominators (người đề cử)
Đây là người chịu trách nhiệm chọn ra các người xác nhận đáng tin cậy để bảo đảm an ninh cho Relaychain. Để trở thành người đề cử, bạn phải stake DOT token.
Validators (người xác nhận)
Sau khi được Nominators chọn, validators có trách nhiệm xác thực các giao dịch thông qua cơ chế đồng thuận PoS.

Collators (Người thu thập)
Đây là những người có trách nhiệm thu thập các giao dịch trên Parachains, sau đó tạo ra các bằng chứng chuyển đổi trạng thái cho người xác thực trên Relay chain.
Fishermen (Người giám sát)
Fishermen là người chịu trách nhiệm cho việc giám sát và báo cáo những hành vi xấu của người dùng trong mạng lưới cho người xác thực.

Thông tin về token DOT
- Token name: Polkadot
- Ticker: DOT.
- Blockchain: mạng lưới Polkadot.
- Token standard: vẫn đang cập nhật.
- Contract: vẫn đang cập nhật.
- Token type: loại Utility, Governance.
- Total supply: tổng nguồn 1,095,100,722 DOT
- Circulating supply: vẫn đang cập nhật.
DOT token allocation
DOT được dùng để làm gì?
- Quản trị: Quyền quyết định trong mạng lưới sẽ được dựa trên tỷ trọng token người dùng nắm giữ.
- Staking: Người dùng có thể stake DOT vào các pool để có cơ hội nhận lãi suất trả về thường xuyên.
- Bonding: DOT được dùng để kết nối các chuỗi parachain.
- Fee: Khi các parachain cần phải giao tiếp và truyền dữ liệu với nhau, hệ thống sẽ charge phí dưới dạng DOT.
Chủ sở hữu DOT sẽ có một số chức năng nhất định trong nền tảng Polkadot, bao gồm:
- Hoạt động như một Validator, Collator, Nominator hoặc Fisherman
- Tham gia quản trị Polkadot
- Tham gia vào quá trình quyết định liên quan đến các nâng cấp hoặc các thay đổi đối với Polkadot
Điểm danh các ưu điểm và nhược điểm của Polkadot
Ưu điểm
- Tốc độ xử lý giao dịch: Polkadot có thể xử lý được 1000 giao dịch mỗi giây
- Khả năng tương tác linh hoạt: Polkadot giúp các blockchain kết nối và chia sẻ dữ liệu, tài sản, token với nhau. Nhờ vậy, người dùng có thể thoải mái đi lại giữa các chuỗi khối.
- Mở rộng quy mô: Khi các chuỗi liên kết với nhau sẽ tạo tiền đề mở rộng quy mô mạng lưới trong tương lai
- Chuyên môn hóa: Mỗi blockchain sẽ được tạo ra với một mục đích cụ thể, nhờ vậy mà Polkadot có thể triển khai các dịch vụ của mình tốt hơn, loại bỏ các đoạn mã hoặc giao thức không cần thiết
- Bảo mật tốt: Mặc dù các mạng lưới tồn tại độc lập và có quyền tự trị, tính bảo mật luôn được Polkadot đảm bảo tới mức tối đa. Các cơ chế đồng thuận hiện tại như PoW hay PoS cần có một số lượng lớn người tham dự cộng đồng. Điều này khiến nhiều dự án nhỏ và mới gặp khó khăn, vì chưa có nhiều người dùng tham gia hệ thống. Khi đó, Polkadot sẽ hỗ trợ cung cấp bảo mật từ những ngày đầu tiên.
- Đem blockchain đến gần hơn với đại chúng: Nhờ Framework Substrate, người dùng có thể dễ dàng tạo ra chuỗi khối mới từ kho blockchain mẫu của Polkadot
- Dễ dàng nâng cấp: Khi dự án tích hợp khả năng sửa lỗi của Polkadot, thì các DEV sẽ có thể thoải mái nâng cấp mà không cần phải thực hiện hard fork như các mạng lưới truyền thống.
- Quản trị phân quyền: Mỗi người dùng tham gia vào Polkadot đều có tiếng nói riêng và đều có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái này.
Nhược điểm
Mặc dù được đánh giá là một giải pháp đột phá, Polkadot vẫn còn những hạn chế nhất định như:
- Cần số lượng lớn DOT để đấu giá Parachain Slots
- Tính năng Sharding để xử lý song song các giao dịch cùng lúc trên Polkadot mang đến nhiều rủi ro bởi nó loại bỏ bớt bảo mật để tăng khả năng mở rộng.
- Polkadot có tuổi đời còn non trẻ, cũng đã nhiều lần dời các cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của mình
Khả năng phát triển trong tương lai của Polkadot (DOT) còn bỏ ngỏ, nhưng với ý tưởng sáng tạo và mong muốn đem tới giải pháp liên kết các blockchain, đội ngũ nhà phát triển kỳ cựu. Polkadot hứa hẹn sẽ còn đem tới nhiều bất ngờ cho thị trường tiền mã hóa. Hãy cùng theo dõi BlockSolFi để cập nhật các thông tin mới nhất về crypto nhé!