Ponzi là gì? Tại sao nhiều nhà đầu tư tiền điện tử vẫn sập bẫy mô hình Ponzi?

Hiện nay, thị trường crypto ngày càng nổi lên và thu hút đông đảo sự chú ý từ công chúng vì có thanh khoản cao. Có vô số đồng tiền điện tử mới mọc lên như nấm trên thị trường crypto, và đi kèm với chúng là các phương thức đầu tư tài chính theo mô hình Ponzi – một hình thức lừa đảo tiền điện tử phổ biến hàng đầu trong thị trường Cryptocurrency.
Trong bài viết này, BlockSolFi sẽ trình bày và làm sáng tỏ định nghĩa về mô hình Ponzi cũng như những mối lo ngại xung quanh nó.
Mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi – đặt theo tên của Charles Ponzi – một kẻ lừa đảo người Ý sống tại Bắc Mỹ đã trở nên rất nổi tiếng sau khi nghĩ ra mô hình lừa đảo tài sản này. Đầu những năm 1920, Charles Ponzi với mô hình của hắn tồn tại hơn một năm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm nạn nhân.

Về cơ bản, mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo đầu tư hoạt động theo cách lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. Người đi vay sẽ vẽ ra một kế hoạch đầu tư lý tưởng, cam kết một mức lãi suất cao chót vót. Người cho vay sẽ bơm tiền vào hệ thống với mong muốn kiếm được lợi nhuận.
Để kiếm được nhiều hơn thì bản thân người cho vay cũng phải giới thiệu thêm người mới tham gia vào mạng lưới. Đến khi mô hình Ponzi phình to và không thể tiếp tục kêu gọi người mới vào mạng lưới được nữa, đồng nghĩa rằng không còn tiền mới bơm vào hệ thống để trả lãi cho người đầu tư đi trước được nữa thì mô hình Ponzi sẽ sụp đổ.
Điểm mấu chốt của mô hình này là những người đến sau cùng thường sẽ không nhận được một xu nào cả.

2. Cú lừa Ponzi thế kỷ từ Charles Ponzi
Ông Charles Ponzi là người đã thực hiện cú lừa thế kỷ Ponzi đầu tiên vào khoảng thời gian đầu những năm 1920, cú lừa Ponzi này đã thu về số tiền lên đến 15 triệu USD của nhà đầu tư và khiến cho 6 ngân hàng phá sản.
Charles Ponzi (tiếng Ý gọi là Carlo Ponzi) sinh ngày 03 tháng 03 năm 1882 ở Lugo, Italia. Thời niên thiếu ông làm công nhân bưu điện ở địa phương, nhưng sau đó đã bỏ ngang công việc và nhập học tại trường Đại học Roma La Sapienza. Vốn dĩ kinh tế gia đình không có gì đặc biệt, thậm chí còn thuộc tầng lớp nghèo của xã hội nên vì không có tiền đóng học phí nên ông quyết định bỏ học ngang.
Trong những năm sau đó, Ponzi đi tới Mỹ và bắt đầu giấc mơ Mỹ của mình. Tuy nhiên, ông hay có thói xấu như ăn cắp vặt, trả thiếu cho khách hàng,… nên không suôn sẻ trong công việc và hay bị sa thải. Ông đã nhiều lần phải vào tù vì làm ăn bất chính hay nhập cư trái phép.
Đến năm 1919, ông xin vào làm cho một công ty bưu chính viễn thông và nhận thấy 1 cơ hội kinh doanh táo bạo.
Nhận thấy giá tem IRC (một loại tem bắt buộc phải có để dán lên thư nếu bạn muốn gửi và nhận thư) tại Mỹ có giá cao gấp 6 lần giá tem IRC tại các quốc gia khác. Ông đã liên hệ với các đại lý thu mua tại các quốc gia khác như Tây Ban Nha và tìm cách nhập trái phép IRC vào nước Mỹ để bán.
Cơ hội kinh doanh đến nhưng lòng tham quá lớn, ông đã đi kêu gọi huy động vốn để kinh doanh team IRC, thành lập nên công ty với kế hoạch kinh doanh với mô hình Ponzi ở trên. Khi đó, tiền liên tục được đổ về công ty, nhưng thay vì lấy tiền đó đi mua tem IRC thì ông lại lấy tiền của người sau để trả cho người trước.
Nhận được lãi, nhà đầu tư lại tiếp tục đổ tiền vào công ty ông. Con số có lúc lên đến 15 triệu USD (nếu quy ra mệnh giá hiện tại thì khoảng 1 tỷ USD). Đến năm 1920, nhiều chuyên gia bắt đầu tìm hiểu cách thức hoạt động của công ty ông và nhận thấy nhiều bất ổn.
Ngày 13.8.1920, Charles Ponzi bị bắt với cáo buộc đã phạm phải 86 tội danh về lừa đảo. Mô hình Ponzi của ông chính thức bị sụp đổ.
Anh em có thể tìm hiểu thêm về cú lừa thế kỷ này qua tài liệu “Charles Ponzi” tại đây.
3. Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào?

Một mô hình Ponzi thường sẽ hoạt động theo cách như sau:
Sẽ có một thành viên khởi xướng đầu tiên đứng ra (Gọi là Ponzi Schemer) quảng cáo về cơ hội đầu tư gì đó, trong đó người tham gia phải đóng góp $10,000 chẳng hạn. Người này hứa hẹn người tham gia (Investor) sẽ nhận được lại toàn bộ khoản đầu tư ban đầu, kèm theo đó là 10% lợi nhuận sau một chu kỳ đầu tư nhất định (3 tháng chẳng hạn).
Giả sử nhà đầu tư này kêu gọi được thêm 2 nhà đầu tư tham gia trước khi thời hạn 90 ngày kết thúc. Khi đó, người khởi xướng sẽ trích $11,000 từ khoản $20,000 thu được từ người thứ 2 và thứ 3 để trả lại cho người thứ nhất. Lúc này, nhà đầu tư thứ nhất sẽ bị hấp dẫn và nhiều khả năng tái đầu tư tiếp $10,000.
Bằng cách lấy tiền từ những nhà đầu tư mới, kẻ lừa đảo sẽ có đủ khả năng tài chính để chi trả cho những nhà đầu tư đến sớm, và thuyết phục họ tái đầu tư kèm theo việc kêu gọi theo nhiều người khác tham gia.
Khi hệ thống đã phát triển, người khởi xướng bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư mới (Introducing Investor) gia nhập mô hình để có thể duy trì được khả năng trả lãi đã hứa.
Cuối cùng khi hệ thống đạt tới mức không thể duy trì được nữa, người khởi xướng hoặc sẽ bị bắt, hoặc sẽ biến mất cùng với số tiền thu được từ các nhà đầu tư.
4. Mô hình lừa đảo Ponzi và Mô hình lừa đảo Pyramid (Kim tự tháp) có gì khác nhau?

Điểm chung
- Đều là một dạng lừa đảo tín thuyết phục nạn nhân đầu tư bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận rất cao.
- Đều cần có dòng tiền liên tục đến từ các nhà đầu tư mới để có thể duy trì hoạt động và thành công.
- Thông thường đều không cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào cả.
Điểm khác biệt
Mô hình Ponzi: thường được giới thiệu là dịch vụ quản lý đầu tư, trong đó người tham gia tin rằng lợi nhuận họ nhận được là kết quả có được từ các khoản đầu tư hợp pháp. Kẻ lừa đảo thực chất là cướp tiền của người này để trả cho người khác.
Mô hình kim tự tháp: dựa nên nền tảng marketing mạng lưới và yêu cầu người tham gia phải tuyển thêm người mới vào hệ thống thì mới kiếm được tiền. Từ đó, mỗi thành viên sẽ nhận được một khoản hoa hồng trước khi toàn bộ số tiền còn lại được chuyển dần lên đỉnh kim tự tháp.
5. Tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn sập bẫy Ponzi?
Phần lớn các cá nhân đầu tư vào thị trường Crypto để tìm kiếm lợi nhuận, họ có thể đầu tư vào Bitcoin hay các loại Altcoin khác, IEO, ICO,… và đa phần thường quan tâm đến 2 vấn đề:
Đầu tiên là ROI (Return of Investment), hay còn gọi là tỷ suất hoàn vốn, đại diện cho số lợi nhuận họ có thể thu về từ khoản đầu tư ban đầu.
Thứ hai, tỷ lệ rủi ro khi thực hiện khoản đầu tư đó. Khi tỷ lệ rủi ro quá cao, các nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư của mình, khi đó ROI sẽ có giá trị âm.
Về bản chất, bất cứ khoản đầu tư nào đều mang một tỷ lệ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với các khoản đầu tư vào các mô hình Ponzi là cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Nhưng do ROI được hứa hẹn quá hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư dễ bị mờ mắt trước lợi nhuận mà thường bỏ quên vấn đề về rủi ro.
6. Cách nhận biết mô hình lừa đảo Ponzi trên thị trường crypto

Để tăng độ hấp dẫn, những người tổ chức mô hình Ponzi thường sử dụng những Dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc các đồng tiền ảo, như Bitcoin, được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một loại tiền và có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến hoặc được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ có thể dẫn tới nguy cơ những kẻ lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi để thu hút các nhà đầu tư vào các loại tiền ảo tương tự.
Mô hình Ponzi được nhận diện qua một số dấu hiệu như:
– Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh
– Hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao ngất
– Cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định,
– Khó rút vốn : để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn
7. Cách bảo vệ chính mình trước các vụ lừa đảo Ponzi
Thứ nhất, cần phải cẩn trọng trước các cơ hội trên trời rơi xuống. Đặc biệt trước những lời mời tự dưng xuất hiện, mời mọc bạn qua địa chỉ riêng (gmail, message,…) vào các cơ hội đầu tư dài hạn, nhất là trong thị trường Crypto.
Thứ hai, hãy luôn đặt ra nghi vấn. Bất cứ cơ hội đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận ở mức cao, dễ dàng, không rủi ro đều có dấu hiệu không trung thực. Nguyên tắc high risk – high return hầu như đúng trong tất cả các thị trường.
Thứ ba, cần hiểu rõ bản chất khoản đầu tư. Không bao giờ đầu tư vào những gì bạn không nắm rõ hay đầu tư vì những lời mờ gọi quá “hấp dẫn”. Phải tận dụng hết các tài nguyên có thể và thận trọng với các khoản đầu tư “bí mật”.
Tổng kết
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu mô hình lừa đảo Ponzi là gì, cách hoạt động của mô hình này cũng như cách bảo vệ chính mình trước các cuộc lừa đảo Ponzi. Anh em có suy nghĩ như thế nào về mô hình này trên thị trường crypto? Để lại comment để thảo luận cùng BlockSolFi nhé!