Quốc hội Ý đồng ý thông qua khoản thu thuế 26% lên tài sản crypto

Như đã thông báo vào đầu tháng 12 năm 2022, Quốc hội Ý đã chính thức thông qua mức thuế 26% đối với crypto bắt đầu từ năm nay.
Quốc hội Ý chính thức thu khoản thuế 26% lên tài sản crypto
Theo nguồn tin địa phương, bắt đầu từ năm mới 2023, Ý sẽ truy thu khoản thuế 26% đối với các khoản lợi nhuận trên 2.000 euro từ việc giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Theo đó, ngân sách mở rộng năm 2023 của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã được hoàn thành gấp rút trước năm mới tết đến xuân về. Trong đó, có khoản chi ngân sách 21 tỷ euro (22,3 tỷ USD), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tại đất nước hình chiếc ủng, nơi phần lớn tiền mã hóa vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, bản dự thảo ngân sách dài 387 trang đã hợp pháp hóa tài sản tiền mã hóa bằng cách định nghĩa chúng là “đại diện kỹ thuật số của giá trị hoặc quyền, có thể được chuyển và lưu trữ điện tử, sử dụng công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự”.
Động thái hôm nay của Ý và gần nhất là Bồ Đào Nha (28%) về mức thuế suất thu nhập vốn đối với tiền mã hóa diễn ra giữa bối cảnh dự luật “Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa” (MiCA) của Liên minh châu Âu vẫn đang leo thang và nghiêm ngặt đối với các nhà cung cấp dịch vụ crypto trong khối 27 thành viên.
Nếu người dùng kê khai tài sản từ ngày 1 tháng 1 năm 2023 sẽ nhận được mức thuế hấp dẫn hơn là 14%, thay vì 26%. Điều khoản này nhằm khuyến khích người dân giải trình tài sản kỹ thuật số của họ.
Theo quy tắc mới, lỗ từ các khoản đầu tư crypto có thể được khấu trừ từ lợi nhuận. Các nhà đầu tư có thể yêu cầu hướng dẫn bổ sung về việc này.
Theo dữ liệu của Triple A, Ý có khoảng 1,3 triệu người, tương đương 2,3% dân số, sở hữu tài sản tiền mã hoá, thấp hơn nhiều so với Anh là 5% và Pháp là 3,3%.

Không chỉ Bồ Đào Nha và Ý bắt đầu có động thái khắt khe hơn với thị trường crypto, các quốc gia như Singapore, nơi từng được xem là “trung tâm Blockchain”, đang dần phổ biến các quy định nghiêm ngặt lên ngành tiền mã hoá. Ấn Độ cũng được ghi nhận áp thuế lên tới 30%, khiến các công ty tại đây “rơi rụng” dần do phải tuân thủ chế độ thuế hà khắc.
Nguyên nhân của sự thay đổi thái độ này có thể đã đến hàng loạt các cú sập đổ của thị trường crypto trong năm 2022 như LUNA-UST hay mới nhất là sàn FTX. Làn sóng liên đới vẫn chưa dừng lại khi ngày càng có nhiều tổ chức lên tiếng bị liên luỵ nghiêm trọng, thậm chí là phá sản.
Các nước đánh thuế crypto
Với sự phát triển của thị trường tiền mã hóa trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu nghiêm túc xem đây như một loại tài sản số và là một hình thức đầu tư hợp pháp. Đó cũng là lý do một vài nước đi tiên phong trong việc thu thuế người đầu tư vào loại tài sản này.
Theo một báo cáo của PwC, Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ là những quốc gia đầu tiên ban hành các hướng dẫn về thuế đối với người đầu tư tiền mã hóa (năm 2014).
Tiếp sau đó, một vài quốc gia như Argentina, Colombia, Nhật Bản, Thụy Sĩ cũng ban hành những hướng dẫn đầu tiên vào năm 2017. Đến năm 2018, danh sách này có thêm Đức, Ireland, Luxembourg, Nam Phi, Bồ Đào Nha.
Mới đây nhất, danh sách tiếp tục kéo dài với sự xuất hiện của Canada, Singapore (năm 2019), New Zealand, Hàn Quốc (năm 2020) và Hungary, Elsavaldor (năm 2021).

Thực tế cho thấy, hầu hết hướng dẫn pháp lý của các quốc gia đều coi tiền mã hóa như một dạng tài sản. Tuy vậy, do có nhiều cách thức khai thác khác nhau, đa phần các quốc gia chưa có quy định rõ ràng trong vấn đề thuế khi khai thác các loại tài sản này. Sự xuất hiện của một loại tài sản mới là NFT vốn không được giao dịch thường xuyên cũng đặt ra nhiều vấn đề làm đau đầu cơ quan quản lý.
Với thuế thu nhập từ tiền mã hóa, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang áp đặt sắc thuế này ở mức khá cao. Trong khi đó, do thiếu quy định rõ ràng, một số quốc gia quyết định trì hoãn hoặc bãi bỏ sắc thuế này.
Các nhà đầu tư tiền mã hóa tại Nhật đang phải đối mặt với khoản thuế lên tới 55% lợi nhuận từ việc đầu tư tiền mã hóa. Tuy vậy, mức thu thuế quá cao này vấp phải sự phản đối của Hiệp hội kinh doanh tài sản tiền điện tử Nhật Bản (JCBA) và Hiệp hội trao đổi tài sản tiền điện tử Nhật Bản (JVCEA).
Cả 2 cơ quan mới đây đã đưa ra yêu cầu đòi cải cách về thuế tiền mã hóa ở Nhật. Theo đó, họ kêu gọi giảm thuế cho các nhà đầu tư cá nhân đối với thu nhập từ thị trường crypto.
Đề xuất này kêu gọi mức giảm thuế xuống còn 20% cho các nhà đầu tư tiền mã hóa cá nhân. Họ cũng mong muốn trong quy định mới có các điều khoản cho phép người đầu tư được chuyển lỗ trong vòng 3 năm liên tiếp.
Theo các nhóm vận động hành lang tại Nhật, mức thuế quá cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân ở nước này so với các quốc gia thân thiện hơn với tiền mã hóa.
Tại khu vực Châu Á, Ấn Độ đã áp mức thuế 30% đối với lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa vào tháng 4 năm nay. Trong khi đó, Thái Lan có kế hoạch loại bỏ mức thuế đề xuất 15% đối với người đầu tư tiền mã hóa. Thậm chí nước này còn miễn thuế VAT (7%) nhằm khuyến khích việc áp dụng tiền mã hóa trong nước.
Tương tự như Thái Lan, Hàn Quốc đã hoãn chính sách về việc thu thuế tiền mã hóa đến năm 2025. Theo đề xuất trước đó, nước này từng có ý định áp mức thuế lên đến 20% đối với người đầu tư tiền mã hóa.
BlockSolFi tổng hợp
Tham gia bàn luận ngay cùng BlockSolFi tại Telegram và Facebook.
Đọc thêm:
Ủy ban Chứng khoán Bahamas hiện đang giữ 3,5 tỷ USD tài sản FTX